Trắc trở dự án giảm ngập

(VOH) - Trước tình trạng ngập nước, TP đã tăng cường nguồn lực đầu tư nhiều dự án chống ngập. Dù vậy không ít dự án gặp khó khăn trong khâu triển khai.

Đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TPHCM) trời không mưa vẫn ngập (ảnh: K.Huân)

Nơi thì tiến độ "rùa bò", nơi thì chưa thống nhất

Dự án xây hồ điều tiết tại Khánh Hội, quận 4 được triển khai từ năm 2004 đến nay vẫn trong giai đoạn bồi thường, dự kiến còn phải đền bù, thu hồi gần 53.000 m². Hiện quận đã làm việc với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi xây dựng hồ điều tiết. Trong giai đoạn 1, từ năm 2017 đến 2019, sẽ thi công 3,5 ha thuộc phần đất đã được giải tỏa trong công viên hồ Khánh Hội. Giai đoạn 2, từ 2019 đến 2020, thi công phần còn lại khoảng 1,3ha. Quận 4 kiến nghị UBND TP tiếp tục bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với kinh phí khoảng 650 tỷ đồng.

Trong khi đó tranh luận về dự án Bàu Cát vẫn chưa có hồi kết khi UBND quận Tân Bình và Trung tâm điều hành Chương trình Chống ngập nước TP chưa thống nhất có nên xây dựng hồ tại công viên Bàu Cát hay không. Lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho rằng chưa thật sự cần thiết phải xây dựng hồ điều tiết tại Bàu Cát. Nguyên nhân là do dự án cải tạo kênh Tân Hóa Lò Gốm đã hoàn thành, góp phần thoát nước cho khu vực Bàu Cát. Các cơn mưa lớn vừa qua, khu vực Bàu Cát chỉ bị ngập khi đang mưa và rút rất nhanh khi mưa kết thúc. Hơn nữa TP còn nhiều khu vực ngập nặng hơn so với khu vực Bàu Cát.

Ông Châu Minh Hiếu, phó chủ tịch UBND quận Tân Bình cho rằng: “UBND quận Tân Bình không phải không làm hồ điều tiết mà nếu so với khu vực khác, thì chưa cần thiết. Tôi cũng tính sơ bộ nếu mưa 120 mm, ngập 35 cm thì khối lượng nước về khoảng 2.000 m3. Vậy nếu ta xây dựng hồ 10.000 m3 thì có lãng phí không. Thứ 2 trong cơn mưa lớn ngày 15-9 vừa qua Tân Bình cũng không có điểm ngập nào trong các điểm ngập trên địa bàn TP".

Theo tính toán của Trung tâm chống ngập dự án này có số vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Khi hoàn thành hồ có thể chứa được 10.000 m3 nước, qua đó góp phần giảm ngập cho người dân trong khu vực. Lãnh đạo trung tâm chống ngập giải thích, thiết kế hệ thống thoát nước tại khu vực này chỉ đáp ứng được lượng mưa khoảng 86 mm trong ba giờ mưa. Trong thời gian qua các cơn mưa lớn vượt tần suất 100 mm thường xuyên xảy ra, nếu không xây hồ điều tiết thì trong tượng lai khu này sẽ bị ngập.

Riêng dự án Gò Dưa, Thủ Đức cũng mới ở giai đoạn báo cáo khả thi. Tại buổi giám sát mới đây, ông Nguyễn Văn Lâm, phó ban thường trực Ban kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TP cho rằng, tiến độ hiện nay quá chậm: “Đề án chưa đáp được yêu cầu đề ra về kinh tế xã hội, cảnh quang và nguồn lực. Tiến độ chung 3 hồ chậm, thì hồ này còn chậm hơn dù dự án này với hồ Khánh Hội (quận 4) được TP tập trung làm”.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, xung quanh khu vực Gò Dưa sẽ xây dựng 3 hồ điều tiết rộng hơn 23 héc ta với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Theo báo cáo khả thi dự án xây hồ điều tiết tại Gò Dưa có diện tích hơn 23 héc ta với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lấp gần 600 tỷ đồng.

Hơn 10 năm chỉ đáp ứng được trên dưới 10%

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết, trong thời gian qua TP cũng cố gắng nhiều, tất nhiên có những việc chưa làm được, thậm chí có những việc làm còn yếu kém. Nhưng nhìn tổng thể với nội lực của TP hơn 10 năm qua chúng ta mới chỉ đáp ứng được trên dưới 10%. Đây là những vấn đề mang tính tức thời, chứ nguyên nhân căn cơ thì chúng ta chưa xử lý được.

"Thủ tướng đã đồng ý cho TP thực hiện nhiều giải pháp chống ngập lâu dài, trong đó tập trung xây dựng 9 cống kiểm soát triều để ngăn triều, và tập trung đầu tư 68 cống ngăn triều nhỏ, còn tại những nơi có dân cư đông đúc thì sẽ làm đê bao. Lâu nay, chúng ta đã làm rồi nhưng chưa được là bao. Dự toán toàn bộ công trình tiêu tốn khoảng 60-70 ngàn tỷ đồng", ông Tín cho biết thêm.

Trạm bơm cống kiểm soát triều phường 16, quận 8 (ảnh: K.Huân)

Theo Trung tâm điều hành Chương trình Chống ngập nước TP, trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đề ra mục tiêu tập trung giải quyết ngập cho khu vực rộng 550 km2 của thành phố và giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu dân thuộc 13 quận (1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp) và các quận 12, Bình Tân, một phần quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè; triển khai cơ chế, giải pháp liên kết vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.