Trên 20.000 ha lúa nguy cơ bị xâm nhập mặn do không theo khuyến cáo

VOH - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô tính đến 26/3/2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020.

Thời điểm xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2023 (ngày 24-27/12/2023), sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng nhưng muộn hơn năm 2015, 2019 khoảng 20 ngày.

XÂM NHẬP MẶN
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô tính đến 26/3/2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023.

Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất của ranh mặn 4 g/l từ đầu mùa khô ở vùng các cửa sông Cửu Long đã xuất hiện từ ngày 10-13/3/2024 từ 55-65 km, so với trung bình nhiều năm cao hơn từ 6-16 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 5-8 km (riêng sông Cửa Tiểu - Đại đã xuất hiện cao hơn năm 2016 khoảng 4-5 km), thấp hơn năm 2020 từ 7- 36 km.

Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/l vào sâu từ 78-80 km, so với trung bình nhiều năm thấp hơn từ 2-4 km, so với 2016 thấp hơn từ 33-43 km, thấp hơn năm 2020 từ 23-63 km, so với năm 2023 cao hơn từ 14-16km.

Ở vùng ven biển Tây, hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã vận hành chủ động kiểm soát xâm nhập mặn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn có khả năng đã qua đỉnh điểm. Dự báo, các đợt xâm nhập mặn tới xuất hiện ở mức thấp hơn đợt nửa đầu tháng 3/2024 nhưng vẫn tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4/2024. Các đợt xâm nhập mặn cao dự kiến xuất hiện vào các ngày 7-11/4, 22-25/4/2024.

Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn tiếp tục tăng, có khả năng đạt đỉnh điểm trong tháng 4 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 5/2024. Thời gian các đợt xâm nhập mặn cao vào các ngày 7-10/4, 22-25/4, 6-10/5.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nhìn chung, diễn biến thực tế xâm nhập mặn phù hợp với thông tin nhận định đã được các cơ quan thuộc Bộ cung cấp từ tháng 9/2023. Trong thời gian còn lại của mùa khô, trường hợp các hồ chứa phía thượng lưu vận hành giảm xả bất thường thì xâm nhập mặn có thể tăng cao hơn dự báo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo khoanh vùng nguy cơ ảnh hưởng ban đầu (tháng 9/2023), tổng cộng có khoảng 56.260 ha lúa vụ Đông Xuân và 43.300 ha cây ăn trái.

Diện tích này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Với các giải pháp đã được triển khai, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo đã được đẩy sớm thời vụ, hiện đã được thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín (cắt nước), bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn.

Hiện có khoảng 20.510 ha lúa (Tiền Giang 30 ha, Bến Tre 730 ha, Trà Vinh 13.000 ha, Sóc Trăng 6.030 ha, Long An 720 ha) có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là các diện tích được người dân xuống giống muộn, không theo khuyến cáo (sau ngày 31/12/2023); trong đó, đã có 621 ha lúa thuộc tỉnh Sóc Trăng đã bị thiệt hại…

Bình luận