Triển khai mở rộng Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID

VOH - Ngày 24/10, Văn phòng Chính phủ đã công bố Thông báo kết luận tại Hội nghị trực tuyến về mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc.

Đến nay, 32,1 triệu người dân đã có Sổ sức khỏe điện tử, trong đó 14,6 triệu công dân tích hợp qua VNeID.

Hơn 4 tháng thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên-Huế cho thấy hiệu quả rõ rệt với hơn 50.000 hồ sơ lý lịch tư pháp được tiếp nhận qua ứng dụng, chiếm 70% tổng số hồ sơ yêu cầu.

Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID

Việc triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, đến việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, một số hạn chế vẫn còn như dữ liệu chưa đủ "đúng, đủ, sạch, sống," tính liên thông và đồng bộ chưa cao, ứng dụng VNeID còn vận hành thiếu ổn định, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” để tạo nền tảng cho các quyết định chính sách.

Mục tiêu đến năm 2025 là 100% cơ sở y tế sử dụng Sổ sức khỏe điện tử và đáp ứng nhu cầu đăng ký Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID của mọi công dân.

Để đạt được điều này, Chính phủ đề ra “5 đẩy mạnh” và “5 bảo đảm” như: tăng cường kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển hạ tầng số đồng bộ và nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng với cam kết bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin cá nhân.

Chính phủ cũng định hướng nghiên cứu tích hợp các tiện ích khác trên VNeID, bao gồm xác nhận tình trạng hôn nhân, thông báo thi hành án dân sự và các thông tin giáo dục, đào tạo.

Trong đó, việc triển khai Bệnh án điện tử và Sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em ngay từ khi sinh sẽ được đẩy mạnh, giúp người dân có thể thay thế Sổ khám chữa bệnh giấy bằng tiện ích này trên ứng dụng VNeID.

Thông qua các biện pháp này, Chính phủ mong muốn chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, tối ưu hóa việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tạo nền tảng phát triển bền vững cho nền hành chính số trong tương lai.

Bình luận