Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, người dân, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Lao động-Thương binh và Xã hội) đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo nghị định tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7 tới.
Tờ trình bổ sung nhóm đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp hàng tháng trước năm 1995 để đảm bảo bình đẳng với người hưởng sau thời điểm trên.
Dự thảo nghị định do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng đề xuất, từ ngày 1/7/2023, tăng lương thêm 12,5% với người đang nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Mức 20,8% (cùng mức tăng với lương cơ sở) áp dụng cho người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng chưa được tăng lương từ ngày 1/1/2022 (nghỉ hưu sau ngày điều chỉnh tăng lương hưu lần gần nhất).
Sau khi tăng lương hưu theo các mức chung kể trên, người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 nếu có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng thêm.
Với người có lương hưu sau tăng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người có lương từ 2,7 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng bù số còn thiếu để được 3 triệu đồng/tháng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải việc tăng lương hưu từ 1/7/2023 để phù hợp với thời điểm tăng lương cơ sở; Quốc hội đã có nghị quyết tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Tổng kinh phí dành cho tăng lương hưu, trợ cấp là hơn 12.600 tỷ đồng tính tới hết năm 2023, trong đó ngân sách nhà nước chi gần 3.000 tỷ đồng và Quỹ Bảo hiểm xã hội gần 9.700 tỷ.