Về quy định tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng thêm 100 giờ so với quy định hiện nay, một số ý kiến không đồng tình vì cho rằng không phù hợp với xu hướng tiến bộ, tăng lương, giảm giờ làm. Theo một số đại biểu, để có được ngày làm 8 tiếng là cả một quá trình đấu tranh lâu dài của công nhân. Theo đó một số đại biểu đặt vấn đề nên quy định tăng năng suất lao động để tăng thành quả lao động thay vì đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ để đảm bảo cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, nuôi dạy con cái.
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh - đoàn Bình Dương cho rằng, tăng giờ làm thêm thì cần giảm giờ làm chính thức. Khẳng định việc làm thêm giờ là nhu cầu có thực xuất từ cả hai phía doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp muốn người lao động làm thêm giờ nhiều để giải quyết đơn hàng, nhất là lĩnh vực gia công, hàng xuất khẩu, giảm bớt tuyển dụng lao động, và thu được lợi nhuận. Còn với người lao động, mục dích đầu tiên và cũng là cuối cùng là tăng thu nhập để đảm bảo đời sống.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa): Luật Lao động sẽ đồng bộ với các luật khác chứ không phải nói tăng tuổi hưu là tăng cứng nhắc. Ảnh: Dân Sinh
Về nội dung tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến nêu rõ dự án Luật quy định tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi là chưa hợp lý. Việc tăng tuổi lao động cần phải căn cứ vào thực tiễn sức khỏe của giới, nữ giới bị chi phối sức khỏe cho việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Do vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 5 tuổi trong khi nam tăng lên 2 tuổi so với quy định hiện hành là không hợp lý. Một số đại biểu đề nghị, cần xem xét đến yếu tố đặc thù của nghề nghiệp, lĩnh vực lao động.
Theo chương trình, hôm nay 30/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm nay và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Trước phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường hôm nay, VOH có một vài ghi nhận ý kiến của đại biểu về nội dung này:
Một số đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Còn nhiều vấn đề tồn tại nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để như: tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng do người lái xe sử dụng chất kích thích, hiếp dâm trẻ em và phụ nữ, giết người trong gia đình… gây lo lắng người dân, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp giải quyết những vấn đề này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp thì cho rằng: tình trạng giải cứu nông sản vẫn thường xuyên xảy ra, đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết căn cơ đầu ra cho nông sản: "Năm nào cũng giải cứu nông sản, những năm trước giải cứu nong sản những năm trước nhãn, xoài, thanh long, tiêu, điều, năm nay là giải cứu lúa. Đây là vấn đề quan trọng đối với hơn 2/3 những người dân trên đất nước cần sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngoài những thị trường tiêu thụ nội địa cho những mặt hàng nông sản này, thì cũng phải có mặt hàng tham gia thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, đặc biệt trong thời điểm hiện nay mặt hàng trái cây của chúng ta đang cạnh tranh gay gắt với một số nước trong khu vực".
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TPHCM, mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam cần chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân chiếm vị trí trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó đặc biệt chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu: "Những kỳ họp gần đây cũng đặt ra vấn đề về chất lượng tăng trưởng, ưu tiên đầu tư phát huy đầu tư tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng mang tính dài hạn. Dĩ nhiên, những vấn đề về an sinh xã hội môi trường thì cũng tạo thành trụ cột trong tăng trưởng. Nhưng chất lượng tăng trưởng, lãng phí trong đầu tư, hoạch định chính sách... là những vấn đề quan tâm".