Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Trồng nấm - một lợi thế của nông nghiệp Việt Nam

(VOH) - Trên thế giới, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu hình thành và phát triển hàng trăm năm nay. Nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan đã đầu tư phát triển nghề này đem lại giá trị xuất khẩu đáng kể.

Nấm thành sản phẩm quốc gia

Tại Việt Nam, những năm gần đây, sản xuất, kinh doanh nấm ăn và nấm dược liệu ngày càng phát triển và được coi là hướng làm giàu. Vốn là quốc gia nông nghiệp nên ở vùng miền nào, nước ta cũng sẵn nguyên liệu để trồng nấm như rơm rạ, mùn cưa, thân, lõi bắp, bông phế thải, bã mía... Trồng nấm không những tận dụng hiệu quả nguồn phế thải từ nông nghiệp mà còn góp phần giải quyết việc làm; tạo ra nhiều dịch vụ “ăn theo” như cung ứng rơm rạ, sản xuất meo nấm, thu mua, sơ chế.

Theo các nhà khoa học, thời tiết, khí hậu nước ta rất thuận lợi cho cây nấm phát triển, trong đó phía Nam thời tiết nắng nóng có thể tập trung trồng nấm rơm, linh chi, bào ngư, nấm mèo. Các tỉnh phía Bắc, có mùa đông lạnh, trồng nấm mỡ, nấm hương, nấm sò. Ngoài ra, chúng ta cơ bản làm chủ công nghệ nhân giống và sản xuất đối với các loại nấm chủ lực; kỹ thuật, công nghệ về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm cũng hoàn thiện dần.

Nhờ những ưu thế đó, nấm được đưa vào 1 trong 9 nhóm sản phẩm chủ lực ưu tiên phát triển của VN. Ông Phan Hồng Sơn, Phó chủ tịch Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay: “Kể từ khi nấm được coi là sản phẩm quốc gia thì trên tất cả tỉnh thành đều có dự án sản xuất, nuôi trồng nấm, tạo ra nhiều công ăn việc làm, kể cả vùng nông thôn miền núi. Điều này có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ bà con khó khăn và thực hiện an sinh xã hội của Chính phủ”.

Ảnh minh họa - Nguồn: Nongnghiep.

Nhu cầu thế giới càng tăng

Một điều vô cùng thuận lợi là nhu cầu tiêu thụ nấm thế giới ngày một tăng vì ngoài giá trị dinh dưỡng (giàu protein, glucid, lipid, các axit amin, vitamin, khoáng chất) nấm còn có hoạt tính sinh học (các chất đa đường, axit nucleic) nên được coi là “rau sạch”. Nấm được ví như một dạng thực phẩm chức năng, tăng cường đề kháng, chống lão hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch.

Vì lẽ đó, nghề trồng nấm rất cần sự quan tâm và đầu tư từ các cơ quan chuyên môn. PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết : “Bộ NN&PTNT đã có chương trình khuyến khích trồng nấm để có thể đạt lợi nhuận cao, khoảng 1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2020”.

Chúng ta có tiềm năng lớn nhưng điều quan trọng là làm thế nào để biến nó thành hiện thực ! 

Bình luận