Trường đại học Luật Hà Nội lên tiếng về bằng tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang

VOH - Trường Đại học Luật Hà Nội lên tiếng trước những lùm xùm liên quan đến việc cấp bằng tiến sĩ luật cho ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang).

Cùng ngày 25/6, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có công văn hỏa tốc gửi Trường đại học Luật Hà Nội yêu cầu báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.

Trường đại học Luật Hà Nội khẳng định tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng, đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và quyết định của nhà trường.

Theo Trường đại học Luật Hà Nội, học viên Vương Tấn Việt sinh năm 1959, trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh năm 2001 tại Trường đại học Ngoại ngữ (nay là Trường đại học Hà Nội); tốt nghiệp đại học ngành luật năm 2019 tại Trường đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2, hệ vừa làm vừa học).

thay-thich-chan-quang
Thượng tọa Thích Chân Quang tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Trường đại học Luật Hà Nội 

Thông tin liên quan đến quá trình đào tạo tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang, Trường đại học Luật Hà Nội dẫn ra hàng loạt cơ sở pháp lý đã được nhà trường áp dụng.

Nhà trường khẳng định: Học viên Vương Tấn Việt có đủ điều kiện học thẳng lên tiến sĩ: có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật loại giỏi; là tác giả 1 bài báo khoa học in trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có phản biện năm 2017; có năng lực ngoại ngữ: bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh; thí sinh đã trúng tuyển ngày 26/11/2019; được công nhận nghiên cứu sinh ngành luật hiến pháp - hành chính, ngày 26/12/2019".

Về tiến trình đào tạo, áp dụng với trường hợp này, nhà trường cho hay từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2021, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt đã hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ - gồm 43 tín chỉ các học phần thuộc ngành/chuyên ngành trên tổng số 60 tín chỉ (được miễn luận văn 12 tín chỉ và ngoại ngữ 5 tín chỉ theo quy định của thông tư 08/2017).

Từ năm 2020 đến năm 2021, nghiên cứu sinh đã hoàn thành 7 học phần của chương trình đào tạo tiến sĩ. Đánh giá chuyên đề tiến sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ theo các quy định, nghiên cứu sinh đã hoàn thành các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ.

Đã công bố 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện; được tập thể hoặc người hướng dẫn nghiên cứu sinh đồng ý cho đăng ký đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn; đã hoàn thành bảo vệ chuyên đề tổng quan, 3 chuyên đề luận án.

Ngày 15/6/2021, đã hoàn thành góp ý luận án tiến sĩ ở bộ môn; ngày 26/9/2021, đã bảo vệ cấp đơn vị chuyên môn (cấp cơ sở); ngày 3/10/2021, nghiên cứu sinh làm đơn xin bảo vệ luận án cấp trường; ngày 3/12/2021, nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp trường ngày 1/11/2021.

Ngày 3/10/2021, nghiên cứu sinh có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo. Đơn đề nghị được bảo vệ luận án cấp trường và được nhà trường đồng ý (theo quy định của thông tư 08/2017 và quyết định 261/QĐ-ĐHLHN - không quy định cụ thể thời gian đào tạo được rút ngắn tối thiểu và tối đa).

Ngày 1/11/2021, trường ban hành quyết định về thành lập hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.

Ngày 9/12/2021, nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án cấp trường; ngày 17/3/2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ.

Bình luận