Sáng 3/1, Trường đại học Sài Gòn công bố nghị quyết thành lập Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội.
PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn cho biết lý do thành lập viện là vì nhìn thấy được nhu cầu xã hội ngày càng cao về hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dựng khoa học - công nghệ đa lĩnh vực. Sau khi bàn bạc thống nhất, nhà trường quyết định cần hình thành một trung tâm chuyên sâu về nghiên cứu kinh tế - xã hội. Trung tâm này sẽ tập trung vào thực hiện nghiên cứu kinh tế - xã hội, tư vấn chiến lược, đào tạo kỹ năng và chuyển giao tri thức khoa học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Trường đại học Sài Gòn là một tổ chức khoa học và công nghệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.
Viện được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Công nghệ Môi trường - Năng lượng Trường đại học Sài Gòn, đồng thời bổ sung thêm các chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu kinh tế - xã hội, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Theo quyết định công bố về nhân sự của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội, PGS.TS Lê Chi Lan - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn - giữ chức vụ viện trưởng; Phó viện trưởng là PGS-TS Nguyễn Phan Thu Hằng.
Hội đồng khoa học của Viện gồm 9 thành viên: TS Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM, làm Chủ tịch hội đồng khoa học.
Các thành viên còn lại gồm GS.TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Luật TPHCM, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á (Đại học Kinh tế TPHCM), PGS.TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn, nhà báo Phạm Đức Hải...
Cũng tại lễ công bố nghị quyết thành lập, viện này đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 8 đơn vị nhằm thiết lập một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn.