Theo Bộ Công an ngày, Luật Căn cước được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ sáu, đến ngày 1/7 bắt đầu có hiệu lực, giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính;
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Những điểm mới quan trọng của Luật Căn cước bao gồm: Việc đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi;
Từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024...
Từ ngày 1/7, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, Bộ Công an sẽ triển khai việc cấp thẻ căn cước theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Căn cước quy định: Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước (Khoản 1 Điều 46).
Thẻ căn cước có giá trị tương đương như thẻ căn cước công dân. Đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước.
Bộ Công an khẳng định, hiện có đủ nguồn nhân lực, phương tiện, kinh nghiệm để có thể đáp ứng được nhu cầu tối đa của người dân khi có yêu cầu được cấp thẻ căn cước theo quy định của Luật Căn cước năm 2023.