Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Từ 2017 đến quý I/2019, xảy ra 147 vụ xâm hại tình dục trẻ em

(VOH) - Sáng 17/5, Hội đồng Nhân dân TPHCM do bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa Xã hội làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật trẻ em tại TP. 

Theo báo cáo của Công an TPHCM, tình hình tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn từ năm 2017 đến quý I/2019 có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó phần lớn phát sinh hành vi xâm hại tình dục trẻ em, chiếm trên 85% trong tổng số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em đã thụ lý và có xu hướng gia tăng về số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP chủ trì buổi giám sát.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP chủ trì buổi giám sát.

Cụ thể, tổng số 170 vụ liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em đã tiếp nhận, xử lý, có 147 vụ liên quan hành vi xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 86% số vụ (hiếp dâm người dưới 16 tuổi: 42 vụ, giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: 78 vụ, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: 27 vụ). Độ tuổi nạn nhân là trẻ em bị xâm hại ngày càng nhỏ, trong đó phần lớn là trẻ em gái, chiếm 85% nạn nhân bị xâm hại.

Theo Công an TPHCM, địa điểm phát sinh các vụ xâm hại không chỉ là ở khu vực vắng vẻ thuộc các địa bàn huyện ngoại thành hay khách sạn, nhà trọ lưu trú của người dân lao động phổ thông, mà gần đây địa điểm xảy ra ở các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.

Tại buổi giám sát, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP cho biết, trong 170 vụ, Công an TP đã khởi tố 144 vụ, xử lý hành chính 10 vụ. Tuy nhiên, cũng gặp không ít khó khăn.

Nguyên nhân là nhiều gia đình không tố giác mà yêu cầu đối tượng bồi thường hoặc thỏa thuận chờ đủ tuổi làm đám cưới, cho sinh con, phá thai hoặc tiếp tục sống chung. Đến khi phát sinh mâu thuẫn mới tố cáo khi đó rất khó cho việc thu thập chứng cứ hoặc đối tượng đã bỏ trốn. Vì vậy, việc giám định pháp y không thu được ADN, đối tượng không thừa nhận hay các em còn quá nhỏ tuổi…

“Đặc trưng của loại tội phạm này gây ra thì cần yếu tố thời gian, nhiều loại dấu vết rất cần thời gian để thu thập sớm và kết luận giám định được chặt chẽ làm cơ sở chứng cứ để chúng tôi xử lý được. Vì vậy khi có việc xảy ra cần khẩn trương tố giác tội phạm càng sớm càng tốt để chúng tôi tiếp cận, xử lý.” - Trung tướng Lê Đông Phong nói. 

Hiện nay, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao. Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, người nhà rất lúng túng, nhưng để tiếp cận được với cơ quan công an thì rất khó.

Theo đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương thì hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hoà nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khoẻ thể chất.

“Xâm hại tình dục bé gái sẽ ảnh hưởng tới cả hai yếu tố, thể chất và tâm thần, gây tổn thương cơ quan sinh dục và các cơ quan lân cận ở vùng chậu, các bệnh lây qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn, sang chấn về mặt tâm lý. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nó sẽ theo suốt cuộc đời của đứa bé.” - đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết.

Tại buổi giám sát, một vấn đề mà các đại biểu quan tâm là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây không được xử lý kịp thời bởi vướng mắc trong quá trình giám định. Ông Phan Văn Hiếu – Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y TP lý giải: “Khi giám định xâm hại AND thì không lấy tiền của nạn nhân. Chi phí 1 ca hơn 4 triệu đồng, người nhà không phải đóng tiền mà cơ quan điều tra đóng. Vấn đề này giữa cơ quan Công an và Pháp y đã phối hợp chặt chẽ, làm rất nhanh.

Tuy nhiên, vướng ở chỗ giám định tang vật thì rất nhiều tiền, có khi giám định AND lên tới 30 triệu đồng. Giám định tang vật lên đến 200 triệu đồng. Thống kê từ năm 2015 đến nay Công an TP còn nợ Pháp y hơn 4 tỷ đồng. Theo quy định thì phải thu nhưng thu từ cơ quan điều tra thì tiền đâu để thu.”

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP cho rằng, ở một Thành phố vì trẻ em và luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, không có lý do gì mà những quy định đang gây cản trở đến các nỗ lực bảo vệ trẻ em lại không được rà soát, sửa đổi và hoàn thiện, nhất là trước diễn biến phức tạp của tội phạm trong lĩnh vực này.

Sắp tới, các đơn vị cần sự phối hợp thống nhất để khẩn trương đưa vụ việc ra ánh sáng, để những đứa trẻ tội nghiệp và gia đình không còn phải ngược xuôi, gõ cửa cầu cứu nhiều nơi, để các em không phải chịu thêm một lần nữa tổn thương, sau nỗi đau bị xâm hại.

Kỹ năng tự vệ dành cho trẻ em khi bị sàm sỡ - Các bậc cha mẹ không thể ở bên trẻ 24/24 nên việc dạy trẻ kỹ năng tự vệ khi bị ôm hôn, sàm sỡ, lạm dụng là điều vô cùng cần thiết.
5 kỹ năng tự vệ hữu ích cho trẻ trong thang máy - Trường hợp bé chưa từng học võ, cha mẹ nên dành thời gian cùng trẻ tập luyện một số kỹ năng tự vệ đơn giản để xử lý tình huống xấu, đặc biệt là trong không gian hẹp như thang máy.
Bình luận