Từ ngày 8/3: chính thức phát thuốc điều trị ARV từ nguồn bảo hiểm y tế

(VOH) - Bộ Y tế chọn bốn địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện cấp quốc gia “Những bệnh nhân đầu tiên nhận điều trị ARV từ nguồn bảo hiểm y tế”.

Điều trị ARV đã triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm nay, hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, có hơn 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ đang giảm dần và sẽ kết thúc vào năm 2018. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải bảo đảm 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

Phát thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế tại bốn tỉnh

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh, điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời nếu không tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hằng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã hướng dẫn 63 tỉnh thành phố đồng loạt tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên điều trị thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế” vào ngày 8/3/2019, nhằm truyền thông. quảng bá mốc chuyển đổi nguồn thuốc ARC từ BHYT; Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của BHYT trong việc điều trị HIV/AIDS; Đồng thời, vận động sự ủng hộ của các ban ngành trong việc bảo đảm cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT được liên tục.

Ông Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, BHYT rất cần thiết với người nhiễm HIV/AIDS. Nếu có phải đóng tiền mua BHYT thì với người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ cho chi phí khám và điều trị bệnh cho chính bản thân mình. Vì ngoài chi phí khám, điều trị HIV/AIDS bằng bảo hiểm y tế, các chi phí khám chữa bệnh khác như người không nhiễm HIV cũng được BHYT chi trả. Do vậy người nhiễm HIV nếu chưa có BHYT cần tham gia BHYT ngay từ bây giờ.

90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT

Để triển khai khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Có khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT.

Năm 2019 là năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.

Thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế

Thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế giúp người bệnh không bị gián đoạn do thiếu thuốc trong quá trình điều trị.

“Bộ Y tế đang phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn”, ông Cảnh cho hay.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, phác đồ ARV được lựa chọn để mua bằng quỹ BHYT là phác đồ bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam. Bộ Y tế đã hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh tính toán nhu cầu thuốc ARV BHYT cho năm 2019 để Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia triển khai mua sắm và sử dụng tại 188 cơ sở điều trị. Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia làm đầu mối tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Thỏa thuận khung đã được ký ngày 26/10/2019 với nhà cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị trong tháng 2/2019, theo đúng tiến độ dự kiến.

Bình luận