Tường hợp đặc biệt được bổ nhiệm Đại sứ quá tuổi qui định

(VOH)-Chính phủ vừa ban hành nghị định 104/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài

Trong đó quy định cụ thể về trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.

Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm các Đại sứ, Đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh minh họa.

Nghị định nêu rõ, trong trường hợp quá độ tuổi bổ nhiệm thông thường, người được tiến cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được xem xét bổ nhiệm căn cứ yêu cầu đối ngoại, địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân.

Việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt phải bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định. Khi được bổ nhiệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thực hiện đầy đủ nhiệm kỳ công tác theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đối với từng trường hợp cụ thể.

Nghị định cũng quy định điều kiện cụ thể đối với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nếu đáp ứng các tiêu chí về năng lực, uy tín sau: Có kiến thức, hiểu biết sâu rộng về quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; có uy tín, kinh nghiệm và năng lực vượt trội trong lĩnh vực đối ngoại.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nhằm thực hiện một trong hai yêu cầu đối ngoại sau. Một là: Thúc đẩy một hoặc một số lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thứ hai: Xử lý một hoặc một số vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của Việt Nam trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

Địa bàn công tác trong trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền bao gồm một trong các địa bàn: Quốc gia láng giềng hoặc thuộc khu vực Đông Nam Á; Quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, Liên hợp quốc hoặc địa bàn có tầm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đối ngoại trong từng thời kỳ.