Tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP năm 2014

(VOH) - “Lễ tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP năm 2014” được UBND TP.HCM, UBMTTQ TP trang trọng tổ chức vào sáng nay 5/6 tại hội trường TP. Tham dự có ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TP; ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP; bà Võ Thị Dung, Chủ tịch UBMTTQ TP cùng 114 cá nhân, tập thể điển hình được tuyên dương trong dịp này. Họ là những tấm gương tiêu biểu, thầm lặng được mọi người cảm phục bởi không ngại hy sinh tài sản, công sức, trí tuệ để cống hiến cho xã hội, giúp đời, giúp người.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân trao bằng khen cho các cá nhân được tôn vinh "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" trong phong trào thi đua yêu nước của TP - Ảnh: TTO

Người dân ở quận 11 vẫn thường nhắc đến hình ảnh ông cụ cần mẫn bên dòng kênh đen hôi hám vớt từng bọc rác. Đó là ông Phạm Văn Tân, 70 tuổi, người đã gắn bó cùng dòng kênh nơi khu vực ông ở gần 30 năm nay với công việc lặng lẽ là vớt từng tấm xốp, bọc ni lông, xác động vật nổi trôi trên dòng kênh bất kể ngày đêm, trời nắng hay mưa. Ông bảo “con kênh mà nhiều rác thì sinh ra muỗi nhiều, bà con nghèo sẽ sinh bệnh. Nếu còn sức khoẻ thì vẫn còn cống hiến”. Bà con quanh khu vực này thi thoảng rót cho ông ly nước, ổ bánh mì, như vậy đối với ông ấm lòng rồi! Ông Phạm Văn Tân nói:

Còn đối với ông Lê Thừa Dương Hùng, ở huyện Hóc Môn, một tấm gương giàu nghị lực về con đường phục thiện. Từ một người từng có quá khứ lầm lỡ, ông quay về làm người lương thiện, với nghề điêu khắc gỗ, ông đã cưu mang trên 100 trẻ em lang thang, cơ nhỡ, có nguy cơ phạm tội, dạy nghề cho chúng, giúp cho bao trẻ em hướng thiện, có cơ hội làm lại cuộc đời.

Ở Bình Chánh có lớp học tình thương của bà Huỳnh Thị Tươi, Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Bình Chánh. Từng là cán bộ bảo vệ sức khỏe trẻ em, thường xuyên tiếp cận với nhiều mảnh đời éo le, bà Tươi luôn trăn trở: “Khi người ta đói thì có thực phẩm khác để thay thế, nhưng đói chữ thì không có gì bù vào được”. Bởi vậy, bà quyết định mở lớp học tình thường dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Bà Tươi mượn một bãi đất trống trước sân đình, ở đó, kê vài ba ghê mủ và vài tấm ván làm bàn cho các em học. Lớp của bà Tươi, học sinh nhiều lứa tuổi khác nhau. Thấy việc làm của bà ý nghĩa, lần lượt nhiều giáo viên, sinh viên tình nguyện tới lớp dạy cho các em. 25 năm qua, đã có bao thế hệ học trò lớn lên, có em thành tài làm ở bệnh viện Bình Tân, phòng khám. Nhiều em học nghề quay trở lại giúp tập vở, hỗ trợ vật chất… bà Huỳnh Thị Tươi, Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Bình Chánh tậm sự:

Người ta nói, hạnh phúc là cho đi, quả đúng với việc làm của ông Trương Văn Đổng, ở huyện Bình Chánh. Ông đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất làm đường, trị giá gần tỷ đồng. Ông Đổng tâm sự: Nơi xóm ông ở toàn dân chài, người ta quá nghèo, quá khổ, ốm đau, bệnh tật bất chợt không biết đâu mà lần. Bàn với con ý định hiến đất, con ông đồng ý, thế là ông hiến đất:

Dù cuộc sống sau này có khó khăn, nhưng ông nói “sẽ không tiếc đâu, vì đó là việc làm phước đức”…Đó là tấm chân tình mà ông dành cho cuộc sống này, cho bà con trong khu phố này… Ai đã từng chăm sóc người già ốm đau bệnh tật hẳn biết, công việc rất vất vả. Vậy mà bà Vương Thị Hồng Nhiệm, Chi hội trưởng khu phố 2, P. Tam Bình, Thủ Đức đã lặng lẽ làm công việc này cho các cụ già neo đơn, ốm đau, bệnh tật, không con cháu bao nhiêu năm nay. Có cụ hơn 90 tuổi mà nằm liệt một chỗ, bà phải làm vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ lo cơm nước cho các cụ.  Bà Nhiệm bảo, làm việc này từ tâm, từ tình người chứ không vì danh hiệu gì đâu. Bà kể:

Đó chỉ là một vài cá nhân trong hàng trăm điển hình khác ở TP.HCM mà mỗi người đã giúp người, giúp đời ở từng khía cạnh khác nhau. Họ đã sống một cuộc đời có ý nghĩa, thầm lặng và bền bỉ, chia sẻ với cộng động, làm vơi đi những hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, cơ nhỡ. Góp phần đẩy lùi tệ nạn trong xã hội…Trân trọng những nghĩa cử cao đẹp này, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân bày tỏ:

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã nói “thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua”. Mỗi hình ảnh, sâu lắng về các tấm gương nỗ của những con người bình dị ấy sẽ góp phần tô đẹp thêm TP mang tên Bác.