Ứng dụng AI – lời giải cho bài toán kết nối đô thị thông minh

(VOH) - Sáng 25/09, Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho thành phố Hồ Chí Minh” do UBND TP tổ chức.

Sáng nay 25/09, Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho thành phố Hồ Chí Minh” do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) chỉ đạo và tổ chức, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng tổ chức, nhằm mục tiêu xây dựng Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”. Tham dự hội thảo có đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Thành phố, các sở, ban, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế….

Nghe bài viết: 

Ứng dụng AI, AI, đô thị thông minh

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo.

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM bày tỏ kỳ vọng: “Thành phố mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp hiến kế với sự đa dạng trong các ngành lĩnh vực mà quý vị đã dày công nghiên cứu. Chỉ cần mỗi người 1 ý tưởng đóng góp, Thành phố sẽ tập hợp được nhiều kinh nghiệm thực tiễn phong phú để phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Hy vọng từ những kinh nghiệm thực tiễn đã được đúc kết, quý vị sẽ khuyến nghị cho Thành phố giải pháp hữu hiệu, mang tính căn cơ để khắc phục điểm nghẽn trong nghiên cứu ứng dụng AI hiện nay để Thành phố nhanh chóng hòa mình vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Theo Tiến sĩ Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nắm bắt xu hướng phát triển mới của của trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành đã có những tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số chính sách thúc đẩy phát triển các công nghệ số, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, đưa Trí tuệ nhân tạo vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, là một công nghệ đột phá, mũi nhọn cần triển khai nghiên cứu, phát triển đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” với mục tiêu xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn trên tri thức của người Việt, phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm KC4.0 và Kế hoạch triển khai Nghiên cứu và phát triển công nghệ AI đến năm 2025. 

“Chúng tôi thấy rằng kế hoạch tập trung hỗ trợ các nhóm nghiên cứu liên kết với các doanh nghiệp, liên kết viện trường để triển khai nghiên cứu, triển khai xây dựng dữ liệu, kết nối cộng đồng. Làm sao để xây dựng các trung tâm xuất sắc về trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi vui mừng khi biết được TPHCM sẽ có một trung tâm như vậy. Bộ Khoa học Công nghệ cam kết sẽ dùng mọi nguồn lực và chung tay cùng Thành phố”.

Ứng dụng AI, AI, đô thị thông minh

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân (phải) trao đổi với bà Lesly Goh - Cố vấn công nghệ cấp cao Ngân hàng Thế giới tại hội thảo.

Với bài tham luận của mình, Tiến sĩ Alvina Goh, Phó Giám đốc Phòng nền tảng trí tuệ nhân tạo, thuộc Ban Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Govtech Singapore đã mang đến cái nhìn tổng quan về các dự án Trí tuệ nhân tạo và Govtech đã thực hiện cho các cơ quan khác nhau cũng như cách tiếp cận được áp dụng trong việc hỗ trợ các trường hợp sử dụng AI của chính phủ.

Bà dẫn chứng, tại Singapore, AI được áp dụng trong nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, từ chính sách đến vận hành. Ví dụ, bao gồm phân tích văn bản, chuyển lời nói thành văn bản, phát hiện gian lận và phân tích video. Về cơ bản, Govtech nhằm mục đích khuyến khích nhân viên phát huy tối đa khả năng của AI, cũng như tư duy về cách áp dụng AI và các vấn đề chuyên môn mà họ gặp phải.

Diễn ra cả ngày, hội thảo tập trung vào các chủ đề chính: Giới thiệu tình hình quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng AI; khuyến nghị, đề xuất và các cam kết hỗ trợ cho TP.HCM. Kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai AI trong từng lĩnh vực cụ thể: giao thông vận tải, giáo dục, y tế, ngân hàng, sản xuất, IoT…Hiện trạng và kinh nghiệm, các giải pháp (về chính sách, tài chính, thị trường…) trong nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy AI tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Hiện trạng, tình hình nghiên cứu, ứng dụng AI và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp… đã triển khai, ứng dụng AI trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Chương trình, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI tại Việt Nam.

Bình luận