Ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua tăng cường hợp tác quốc tế

(VOH) - Hôm nay 13/5, Hội nghị chuyên đề Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Quốc hội Việt Nam tổ chức đã bế mạc sau 3 ngày diễn ra tại TPHCM.

Hội nghị đã thảo luận những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Quốc hội để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực thi những cam kết quốc gia trong lĩnh vực này. 

Bà Tòng Thị Phóng Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội phát biểu bế mạc

Hội nghị đã nghe trình bày tổng quan về các mục tiêu phát triển bền vững, chính sách quan trọng toàn diện để các quốc gia triển khai thực hiện, đặc biệt là về vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy hành động, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình xây dựng  pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến lĩnh vực này. 

Phát biểu trong phiên cuối của hội nghị này, bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển đô thị bền vững, nhất là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tác động nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân. 

Với bộ tiêu chí đánh giá IPU và UNDP xây dựng đã được chính thức công bố tại hội nghị lần này, lần đầu tiên, Quốc hội các nước có những tiêu chí toàn diện, cụ thể, hiệu quả để có thể tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Trong thực hiện mục tiêu này, Liên hợp quốc có vai trò rất quan trọng.

Vì vậy, Quốc hội các nước cần tăng cường phối hợp với cơ quan này nhằm nâng cao năng lực của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Đề cập đến bộ tiêu chí này, ông Nguyễn Văn Giàu – Ủy viên Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho biết thêm: “Việt Nam rất ủng hộ nội dung của Bộ công cụ này. Về nhận thức 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu này, nếu nhận thức tốt rồi thì phải đưa vào chương trình hành động là kế hoạch quốc gia, đưa vào hoạt động của các cơ quan quốc hội, rà soát hoàn thiện pháp luật để hoàn thiện các mục tiêu này”.

Hội nghị cũng thảo luận về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về y tế và bình đẳng giới trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Đánh giá được mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nguy cơ gia tăng dịch bệnh theo mùa và dịch bệnh mới nổi, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, chất lượng nước cho mọi người dân. Bên cạnh thách thức, vẫn có những cơ hội, điều kiện để các nước chuyển đổi mô hình phát triển, thích nghi với biến đổi khí hậu. 

Tại Việt Nam, các dự án trồng rừng ngập mặn góp phần giảm nhẹ thiên tai, nâng cao nhận thức, đem lại nguồn sinh kế bổ trợ cho người dân vùng ven biển. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định: “Hội nghị nhấn mạnh, Quốc hội cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường vai trò hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trên quy mô khu vực và toàn cầu.

Quốc hội cần thúc đẩy hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em và những khu vực bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc huy động tài chính cũng là vấn đề quan trọng.

Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đảm bảo phân bổ ngân sách và nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên”.

Ông Marti Chungong cùng nghị viện các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thảo luận huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Tổng thư ký nghị viện thế giới IPU - ông Marti Chungong gởi lời cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã ủng hộ IPU tổ chức rất thành công sự kiện lần này về chủ đề vô cùng quan trọng đối với an ninh toàn cầu. Đã có hơn 20 Quốc hội các nước, các cấp lãnh đạo trên khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhất quán thỏa thuận với Quốc hội Việt Nam và IPU trong vấn đề ứng phó với biến đối khí hậu và phát triển bền vững.