Uống nước nhớ nguồn: Truyền thống tốt đẹp của người dân TPHCM

(VOH) - Uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay.

Nhân dân và đảng bộ thành phố luôn ghi nhớ công ơn, những hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, những cán bộ lãnh đạo, những nhà cách mạng lão thành đi trước. Nhân các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm truyền thống, lãnh đạo đảng và nhà nước luôn thể hiện sự tri ân sâu sắc, thăm hỏi và động viên các đồng chí lãnh đạo cách mạng, gia đình người có công. 

Vì độc lập, vì tự do và thống nhất đất nước, vì sự phát triển của thành phố và cả nước, biết bao sự hy sinh, gian khổ, biết bao chiến công hiển hách của quân và dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung đã đi vào huyền thoại. Trong đó, có những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình, đến tuổi già, họ vẫn mong muốn được tiếp tục đóng góp sức mình cho đất nước, cho Tổ quốc.

Ghi nhận những công lao to lớn đó, lãnh đạo đảng và nhà nước ta luôn thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn. Nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, nhiều đoàn lãnh đạo thành phố đã tổ chức đi thăm và chúc mừng, thể hiện sự quan tâm, tri ân đối với người đi trước.

Kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2020), đại diện lãnh đạo thành phố, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đi thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách.

Tại các điểm đến thăm, ông Lê Thanh Liêm cùng đoàn đã có cuộc trò chuyện thân mật, ân cần thăm hỏi và ghi nhận công lao cống hiến của các cá nhân và gia đình chính sách: "Đoàn công tác vinh dự được đi thăm anh chị kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ, phải nói anh chị, cô bác bỏ 1 phần xương máu của mình đóng góp cho quê hương mới được ngày hôm nay. Thay mặt lãnh đạo thành phố cám ơn sự đóng góp cho giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời bình, góp phần cho phát triển sản xuất nữa, rất là quý".

Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm thăm và chúc thọ cụ ông Ngô Văn Bé là thương binh, Đảng viên 65 năm tuổi Đảng. Ảnh: VOH

Kỷ niệm 103 năm cách mạng tháng 10 Nga thành công (7/11/1917- 7/11/2020), đoàn lãnh đạo Thành ủy TPHCM do ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP đi thăm và trao huy hiệu Đảng cho các cán bộ cao tuổi đảng tại Quận 7.

Tại nhà ông Nguyễn Văn Chí - Đảng viên 60 năm tuổi đảng, nguyên thành ủy viên, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, ông Nguyễn Hồ Hải cùng đoàn lãnh đạo Thành ủy ân cần thăm hỏi sức khỏe, ôn lại kỷ niệm thời công tác của các các đồng chí cách mạng lão thành và gửi lời tri ân sâu sắc: "Đất nước, thành phố được như hôm nay cũng nhờ có Đảng, trong đó, Đảng tồn tại và phát triển cũng nhờ những cây cổ thụ, những đồng chí lão thành, người đã có thời gian cống hiến lâu dài trong những thời điểm khó khăn của thành phố, đất nước. Lớp trẻ xin kế thừa và cố gắng làm như thế nào đó để gìn giữ truyền thống, cũng như sự hy sinh, sự đóng góp của các đồng chí đi trước".

Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành cả thanh xuân để cống hiến cho thành phố, cho đất nước. Khi đã nghỉ hưu, không còn công tác nhưng khi được quan tâm, thăm hỏi họ rất hạnh phúc.

Trung tướng Nguyễn Năng Nguyễn - Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ cảm xúc khi được lãnh đạo thành phố đến thăm nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: "Rất vinh dự, tự hào được thành phố, quận đến gia đình thăm bản thân và gia đình nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam. Thay mặt gia đình, bản thân cảm ơn thành phố, quận ủy, ủy ban nhân dân thành phố đã quan tâm đến anh em chúng tôi. Dù 45 năm rồi, tôi nghĩ đây là trách nhiệm của tổ chức, vẫn quan tâm đến anh em chúng tôi, mặc dù chúng tôi đã trở về đời thường".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát - Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Nguyên Giám đốc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động khi được đoàn lãnh đạo Thành ủy do ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn đến thăm và chúc mừng bản thân cùng gia đình nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: "Tôi thấy thành phố ta rất lchu đáo, sống tình nghĩa. Một năm có rất nhiều ngày chứ không phải ngày nhà giáo không. Ngày thầy thuốc, thầy giáo, hương binh liệt sĩ, phụ nữ… mà các anh chị không bỏ ngày nào hết. Việc thì lịch dày đặc, toàn là việc lớn nhưng mà anh chị rất quan tâm đến tình cảm. Việc đó tôi thấy rất cảm động".

Từ những việc làm thiết thực của lãnh đạo thành phố, của người dân thành phố đối với những người đi trước và từ những chia sẻ đầy chân thành của người đi trước khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của lớp kế thừa càng cho thấy thành phố chúng ta là một thành phố đáng sống, nghĩa tình, nhân văn.

Con người thành phố luôn khắc ghi truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, thể hiện tình cảm sâu sắc, sự tri ân và trách nhiệm đối với những người có công, những người đi trước.

Đền ơn đáp nghĩa không chỉ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng mà còn là nguồn động lực lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chung sức, chung lòng, đoàn kết xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với kỳ vọng của người dân thành phố và cả nước.