Ưu tiên đầu tư dự án cấp bách thích ứng, phòng tránh biến đổi khí hậu

 (VOH) - Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Trần Hồng Hà khẳng định trong phiên họp báo sau khi hội nghị "Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu-hành động của các nhà lập pháp" kết thúc. 

Để khai thác, quản lý tổng hợp các công trình trên sông Mekong, đòi hỏi sự chung tay và nhìn nhận tổng thể trên toàn bộ lưu vực. Trong đó, cần có những thiết chế, thỏa thuận ở các quốc gia và trên toàn bộ lưu vực đó thì mới thành công.

Chính phủ sẽ nỗ lực để đạt được những vấn đề về cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, làm tốt hơn việc khai thác các nguồn lợi đối với lưu vực sông Mekong. 

Phiên họp báo ngay sau khi hội nghị chuyên đề Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu hành động của các nhà lập pháp vừa kết thúc (từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Tổng thư ký nghị viện thế giới Marti Chungong, ông Nguyễn Văn Giàu – Ủy viên Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội)

Nguồn lực huy động cho vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn nhưng hiện nay không có nước nào đầu tư để đáp ứng ngay lập tức đối với nhu cầu cấp bách này. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam có quan điểm rất rõ, ưu tiên các dự án về thích ứng, những dự án liên quan đến phòng ngừa, phòng tránh với biến đổi khí hậu… Đây là những dự án không thể trì hoãn và không nuối tiếc. Trong thời điểm này, những dự án thế này có thể đáp ứng đa mục tiêu. 

Ông Nguyễn Văn Giàu – Ủy viên Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhìn nhận: “Ngoài vùng biến thuận lợi, người ta khai thác du lịch, công nghiệp hóa dầu khí… nhưng số còn lại là dân nghèo. Do vậy, cấu trúc lại nền kinh tế ở đó, đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững là cực kỳ khó và lớn. Giai đoạn hiện nay là phải đánh hỏa lực”.

Năm 2015, Việt Nam đã có danh mục dự án ưu tiên, cấp bách với đề xuất chi khoảng 11.000 tỷ đồng vào 61 dự án. Theo đó, hàng loạt dự án đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư như: dự án phòng chống bão lũ, dự án về dự trữ nguồn nước, dự án đa mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ ven biển, dự án tăng cường năng lực quan trắc, giám sát về khí tượng thủy văn và dự báo, xác định các vùng nguy hiểm, tái định cư, di chuyển dân cư ra khỏi khu vực đó.

Theo ông Trần Hồng Hà, nếu tính đến mục tiêu thực hiện cắt giảm khí nhà kính, đòi hỏi Việt Nam thay đổi cơ cấu, phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ, nguồn lực đầu tư vào công nghệ, phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế xanh – bền vững thì nhu cầu này còn lớn hơn rất nhiều. 

Việt Nam đang hợp tác với các đối tác phát triển dựa trên mô hình “cùng nhau xây dựng chính sách, phát triển tốt đẹp” giữa cơ quan Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển, các nước. Chúng ta đã có đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách từ chủ trương của Đảng cho đến pháp luật do Quốc hội đã ban hành. 

Trong giai đoạn trung hạn, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã phê duyệt 15.000 tỷ đồng để tập trung vào những dự án cấp bách đó. Theo đó, đối với dự án về cấp nước, Chính phủ đã xây dựng các hồ đập, chứa nước, các vùng xung yếu mà có hệ thống kè, tập trung phát triển hệ thống rừng phòng hộ và ngập mặn. Đồng thời, tăng cường năng lực để quan trắc, giám sát chung biên giới, khí tượng thủy văn để dự báo cho các tỉnh.

Nguồn lực này từ ngân sách Nhà nước và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JAICA). 

Tuy là rủi ro, nhưng biến đổi khí hậu cũng là một cơ hội trong đó, vấn đề về cắt giảm phát thải nhà kính có thể chuyển sang mô hình tăng trưởng theo hướng tiết kiệm năng lượng và năng lượng mới. 

Giáo sư Mai Trọng Nhuận – Chuyên gia cao cấp – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách biến đổi khí hậu phân tích: “Trong trường hợp này, nhiễm mặn không phải là một tai họa mà là còn là nguồn lợi. Lũ lụt Đồng bằng Sông Cửu Long là tai họa, cũng là nguồn lợi mà chúng ta phải khai thác. Khai thác những thuận lợi trong những bất lợi”.

Khu vực tiết kiệm năng lượng đã nhận được sự hưởng ứng của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế. Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận: “Nếu chúng ta có chính sách từ Quốc hội sắp ban hành như không trợ giá về năng lượng hóa thạch, chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo, chính sách về thuế phù hợp, khu vực này chúng ta hoàn toàn có thể thu hút được đầu tư nước ngoài, giúp chúng ta có động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế theo hướng cacbon thấp, hiệu quả và bảo vệ môi trường”. 

Ông Hà khẳng định, Việt Nam coi vấn đề thích ứng là rất quan trọng. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam đã tham gia vào thỏa thuận quốc tế, do đó, cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở pháp lý chính sách để đến sau năm 2020, Việt Nam thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải nhà kính như đã cam kết, cụ thể hóa kế hoạch mà Chính phủ ban hành “kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận Paris”, bên cạnh đó, quan tâm đến khu trọng yếu, những vấn đề tác động biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản con người.