Vai trò chính quyền địa phương trong quản lý nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng

(VOH) - Khi dây điện của hệ thống chiếu sáng công cộng bị mất, tuyến đường sẽ không được chiếu sáng, điều này sẽ rất nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự cho người dân sống trên các tuyến đường. Để hạn chế được nạn trộm cắp đường dây chiếu sáng công cộng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải có biện pháp hữu hiệu để đối phó với tình trạng này.

Hành vi trộm dây điện chiếu sáng công cộng gây rất nhiều thiệt hại cho xã hội.

Nhiều năm qua, ngành chiếu sáng công cộng TP.HCM liên tục phải đối mặt với nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng. Dù một vụ trộm thường chỉ mất từ vài mét đến vài chục mét dây nhưng do mỗi năm xảy ra hàng ngàn vụ nên thiệt hại về kinh tế là không nhỏ. Trung bình mỗi năm, ngân sách nhà nước phải chi ra hơn 30 tỉ đồng để khắc phục. Đây là số tiền không nhỏ đối với nguồn ngân sách thành phố. Nếu chúng ta triển khai quyết liệt các giải pháp đấu tranh với các loại tội phạm này thì có thể hạn chế được các thiệt hại cho người dân và xã hội.

Theo thống kê, chỉ tính từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra gần 10.000 vụ trộm dây cáp điện chiếu sáng công cộng, làm cho gần 300.000 bộ đèn bị tắt, gây thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong hàng ngàn vụ trộm dây điện chiếu sáng công cộng thì số vụ bị phát hiện và đem ra xét xử còn quá ít ỏi.


Nhiều tuyến đường chìm trong bóng tối vì dây điện chiếu sáng bị cắt trộm. Ảnh: NLĐ

Tính đến nay, chỉ có trên 200 vụ trộm cắt dây điện chiếu sáng công cộng được phát hiện và gần 100 vụ được đưa ra tòa án xét xử. Chính vì phát hiện và xử lí bọn trộm cắp loại này chưa nhiều nên khó có thể răn đe kẻ gian, mặc dù đây là hành vi vi phạm có khung hình phạt khá cao. Trước diễn biến phức tạp của nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng công cộng, gần đây, nhiều biện pháp chống lại bọn trộm dây điện đã được các ngành chức năng quyết liệt triển khai. Trong đó vai trò của chính quyền các địa phương trong tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn là quan trọng. Một số nơi, qua việc tố giác của quần chúng, lực lượng dân quân, dân phòng, công an đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ đầu các vụ vi phạm, hạn chế thiệt hại.

Tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, cách nay vài tháng, đã phát hiện một vụ trộm lột vỏ nhựa dây điện nhà văn hoá xã, nhờ đó giữ được tài sản công, nhưng vẫn không bắt được thủ phạm. ông Nguyễn Văn Nhắc - Cán bộ sản xuất xã Lý Nhơn cho biết: "Dây điện truyền vô trụ sở nhà văn hoá có một đêm bị trộm cắt một khúc, lột vỏ ... may mà phát hiện được, khi mình phát hiện được nó chạy trốn mất, chúng lẩn trốn đâu đó ở địa bàn mình mà mình truy lùng không ra".

Tại địa bàn xã Long Thới, huyện Nhà Bè, trước đây có xảy ra các vụ mất cắp dây điện nhưng đến nay tình hình đã được kiểm soát. Lý giải vấn đề này, ông Thái Kim Dũng - Chủ tịch UBND xã Long Thới huyện Nhà Bè cho biết: "Lúc trước thì có tình trạng này, nhưng thời gian gần đây thì không còn, do một phần là hệ thống giờ điện đã ổn định, dây dẫn điện người ta làm gọn lại hết rồi không còn lộn xộn như trước nữa, phần nữa là lực lượng công an cũng tuần tra thường xuyên hơn nên giờ tình hình chung là đã tạm ổn trong cả huyện, nhưng ở xã Phước Kiểng thì vẫn nóng hơn các địa bàn khác. Riêng xã Long Thới của chúng tôi thì gần như năm nay là không có".

Tình hình trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cũng được cải thiện. Về vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong xử lý nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng công cộng và kiểm tra các điểm thu mua phế liệu, bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch UBND huyện nhà Bè cho biết:

Địa bàn huyện Củ Chi, đất rộng, có nhiều tuyến đường, đều được gắn hệ thống chiếu sáng nên tình hình mất cắp dây điện diễn ra thường xuyên. Đến nay, các biện pháp đã được chính quyền địa phương thực hiện nhưng tình hình mất cắp chỉ giảm bớt. Với việc kiểm tra các điểm mua phế liệu, vật liệu xây dựng để xử lý vi phạm, bà Cao Thị Gái - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết:

Mới đây nhất, Sở giao thông vận tải TP.HCM đã đề ra giải pháp rất hay và cụ thể là phạt thật nặng những người thu mua phế liệu nhận thu mua dây điện không rõ nguồn gốc. Đây là giải pháp để các cơ sở kinh doanh phế liệu nhận dạng dây cáp điện chiếu sáng công cộng và từ chối mua loại dây này. Đây là việc làm cần thiết nhằm hạn chế nạn trộm cắp dây điện, nhưng cần phải có thời gian để tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Bên cạnh đó, Sở giao thông vận tải TP cũng đề nghị UBND TP kiến nghị Bộ Công an trình Thủ tướng xem xét việc đưa dây cáp điện vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia để nâng mức xử phạt đối với các đối tượng trộm cắp dây cáp điện.


Một trong số ít vụ trộm dây điện bị phát hiện. Ảnh: VOV

Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của cấp trên thì các đơn vị quản lý như Ban quản lí khu đô thị, Công ty chiếu sáng công cộng... cần tăng cường hơn nữa việc tuần tra, có nhiều buổi làm việc với chính quyền, lực lượng công an các địa phương, phổ biến đến tận tổ dân phố để người dân ý thức cảnh giác kẻ gian cắt dây điện chiếu sáng.

Ngoài ra, khi gắn mới hệ thống dây chiếu sáng cần phải chuyển sang neo dây, thay dây đồng bằng dây nhôm, gắn chip báo động để khi dây bị cắt thì chuông điện thoại của công an địa phương và cán bộ tuần tra giám sát sẽ reo lên, giúp nhận biết ngay vị trí đang xảy ra trộm.

Rõ ràng, để hạn chế được nạn cắp đường dây chiếu sáng công cộng thì ngoài công tác tuần tra kiểm soát của nhân viên công ty chiếu sáng công cộng, của ngành giao thông vận tải thì cần phải có sự đồng lòng hỗ trợ, phát hiện tố giác tội phạm của người dân và sự kiên quyết, xử lí nghiêm minh của lực lượng công an, chính quyền các địa phương. Cùng với đó thì ngành điện cũng cần có hướng dẫn việc ngầm hóa đường điện chiếu sáng công cộng để hạn chế mất cắp.

Việc đưa ra xét xử các hành vi vi phạm của kẻ trộm cần phải được xét xử công khai, lưu động và tuyên phạt với mức án cao nhất nhằm giáo dục, răn đe những kẻ cố tình vi phạm; phải đánh mạnh vào các điểm tiêu thụ tài sản của bọn trộm. Có như vậy thì mới giảm thiểu thiệt hại tiền của nhà nước trong việc khắc phục, sửa chữa; đồng thời người dân mới hết cảnh khổ sở, nguy hiểm vì sống, di chuyển trong môi trường thiếu ánh sáng mỗi khi đêm về.

Bình luận