Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật đất đai sửa đổi

(VOH) - Cuối tháng 4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố bản dự thảo bổ sung, chỉnh sửa Luật đất đai sửa đổi sau khi nhận được gần 7 triệu ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân của UBND 63 tỉnh, thành và cả quá trình tham vấn 1.300 nông dân, gần 300 cán bộ chính quyền địa phương do Tổ chức Oxfam, Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội thực hiện. Các ý kiến tập trung vào 87 vấn đề, một số vấn đề có 800.000 lượt ý kiến đóng góp của người dân. Dự thảo sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp thứ 5 bắt đầu từ ngày 20/5.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia về đất đai cũng như tổ chức thực hiện tham vấn vẫn cho rằng, dự thảo Luật đất đai sửa đổi sau khi được bổ sung chỉnh sửa vẫn còn nhiều tranh cãi, bỏ ngỏ, quyền lợi của người dân chưa được chú trọng nhiều.

Trong suốt thời gian 5 tháng, Tổ chức Oxfam thực hiện quá trình tham vấn cộng đồng 5 tỉnh là Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, An Giang và Long An đã ghi nhận được nhiều câu chuyện.

Cụ thể, người dân thiếu thông tin về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không có sự phân biệt rõ ràng khi thông tin cho người dân về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất hay quy hoạch xây dựng. 

Quy hoạch manh mún, không đồng bộ, thiếu cơ chế bảo vệ chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp. Người dân bị động và không được tham gia ý kiến vào quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất dẫn đến mất sinh kế và phải được trợ cấp lương thực, trong khi đó có một số nông, lâm trường quốc doanh được giao diện tích đất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả và sai mục đích. 

Giá đất do Nhà nước quyết định thiếu thống nhất, việc thực hiện quy định về giá đất bồi thường cũng chưa rõ ràng và thiếu minh bạch. Giá đất để bồi thường cho người dân được cơ quan có thẩm quyền xác định thường rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá trị sử dụng đất và giá đất chuyển nhượng trên thị trường. 

Quá trình thực hiện thu hồi đất cũng thiếu minh bạch, người dân không biết hoặc rất mơ hồ về các nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ, nơi ở mới. 

Họ bất bình về việc thực thi pháp luật không đảm bảo nguyên tắc khu tái định cư có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Bức xúc nhất là người dân được nhận bồi thường, hỗ trợ thì ít nhưng nhà đầu tư lại được lợi lớn khi chuyển nhượng đất được giao trên thị trường.


Hơn 70% khiếu nại tố cáo của người dân có liên quan đến đất đai - Ảnh: PLXH.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dự thảo luật đã đạt được nhiều thành tựu mới sau khi lấy ý kiến của người dân, chẳng hạn như nâng cấp cơ chế tự thỏa thuận, chuyển từ nhà đầu tư thỏa thuận với từng người sử dụng đất sang nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng, những người sử dụng đất và quyết định dựa trên đa số ý kiến của cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa đề cập hoặc chưa thỏa đáng. 

Chẳng hạn như thiếu tham vấn cộng đồng và sự đồng thuận của cộng đồng trong quyết định về đất đai và quản lý đất đai. 

Vấn đề giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở cho cộng đồng chưa được giải quyết. 

Cơ chế kiểm soát quyền lực đối với thẩm quyền quyết định về đất đai chưa được thiết kế cụ thể, nhất là vấn đề phân cấp, chia tách thẩm quyền, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Điều này rất quan trọng để hạn chế tham nhũng nhưng lại chưa có quy định cụ thể. 

Việc quy định cơ quan cấp giấy chứng nhận được thu hồi giấy chứng nhận là không đúng. Vì theo các chuyên gia quốc tế, cơ chế này tạo ra rủi ro cho người được cấp giấy chứng nhận, cơ quan cấp giấy có thể làm khó người sử dụng đất. Thực tế tại các địa phương còn nhiều vướng mắc trong việc thu hồi giấy chứng nhận. Đồng thời chưa có các chế tài xử lý vi phạm pháp luật đủ hiệu quả để thực thi tốt pháp luật đất đai. Đáng suy nghĩ là một số vấn đề nhận được đến vài trăm ngàn ghi nhận nhưng không được bổ sung vào bản thảo mới, trong khi có vấn đề chỉ nhận được vài ý kiến đã được tiếp thu.

Rõ ràng, cơ chế tiếp thu ý kiến của người dân chưa được xác định rõ ràng, vì vậy, cần có thêm thời gian để thu thập ý kiến góp ý cho dự thảo trước khi được Quốc hội thông qua Luật đất đai sửa đổi.

Bình luận