Vấn đề đất đai ở ngoại thành vẫn chưa hạ nhiệt

(VOH) - Những năm gần đây, HĐND – UBND TPHCM rất quan tâm đến vấn đề đất đai ở khu vực ngoại thành. Trong các buổi tiếp xúc cử tri tại 5 huyện, khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhà ở luôn “làm nóng” nghị trường. Thành phố đã có không ít lần điều chỉnh chính sách hoặc mạnh tay xử lý nhưng cho đến nay, tình hình vẫn chưa có những chuyển biến tích cực đáng kể.

Nghe bài viết: 

Trên thực tế, xuất phát từ nhu cầu thực tế đất đai - nhà ở của người dân, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 33, quy định cụ thể về việc tách thửa đất ở. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quyết định, đã nảy sinh nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau dẫn đến hiện trạng tách thửa phân lô hàng loạt để kinh doanh, mua bán mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu tiêu chí về hạ tầng, mảng xanh, thoát nước… nhất là ở những vùng ven ngoại thành.

Quyết định 33 tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân hộ gia đình có nhu cầu về tách thửa đất ở, giúp các quận huyện giảm thiểu hiện trạng xây nhà không phép. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đã có hơn 4.100 trường hợp được giải quyết tách thửa đất ở, giúp cho rất nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở ổn định cuộc sống.

 

Trên địa bàn xã Thới Tam Thôn có cả ngàn căn nhà “ba chung” với hàng ngàn dân sinh sống không giấy tờ nhà, không số nhà, không hộ khẩu. (ảnh minh họa: SGGP)

"Nóng" chuyện  phân lô bán nền

Tuy vậy, bên cạnh đó, tranh thủ chủ trương tạo thuận lợi cho người dân, các chủ đầu tư đã mua đất, nhờ người dân đứng tên thực hiện các dự án phân lô hộ lẻ. 

Cụ thể như Huyện ủy huyện Hóc Môn từ tháng 11/2014 đã cho kiểm tra tình hình quy hoạch trên địa bàn huyện và phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là vấn đề tách thửa, phân lô, bán nền đã diễn ra trong thời gian khá dài, làm phá vỡ quy hoạch của huyện.

Theo đó, tình hình diễn biến rất nghiêm trọng với khoảng 200 phương án trên địa bàn huyện, ở mỗi xã có từ 30 đến 60 phương án, với trên 2.000 nền, nhất là có dấu hiệu lợi ích nhóm. Với trách nhiệm của người đứng đầu, ông Nguyễn Cư – Bí thư Huyện ủy Hóc Môn đã báo cáo sự việc với Thường trực Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND thành phố.

 “Ủy ban kiểm tra Thành ủy kiểm tra và kết luận làm rõ đúng sai vấn đề này, có mất đoàn kết nội bộ hay không, có mất đoàn kết giữa Bí thư và Chủ tịch với tập thể Thường trực Ủy ban hay không. Việc quyết định thực hiện phân lô, tách thửa đúng hay sai. Ủy ban thực hiện như vậy đúng hay sai, phải làm rõ trên địa bàn Hóc Môn, và nếu có dấu hiệu vi phạm thì tôi đề nghị khi kết luận là phải chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và xử lý”, ông Nguyễn Cư – kiến nghị.

Qua tìm hiểu thực tế và tiếp xúc với một số người dân huyện Hóc Môn, chúng tôi được phản ánh về tình hình tách thửa, phân lô, bán nền, xây nhà có xảy ra ở một số xã trên địa bàn, như xã Thới Tam Thôn, Bà Điểm, Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn…

 Người dân cho biết:

“Đất này là đất nông nghiệp rồi nó lên đất thổ cư, san lấp mặt bằng xây dựng khu dân cư.  Người môi giới mua rồi san lấp mặt bằng, họ làm lẹ chứ không có quy hoạch, cất nhà rồi bán”.

“Nếu người ta có nhu cầu con người ta cất nhà ra riêng thì cái đó không nói gì.  Còn có một số ở đâu về vẫn làm được bình thường, lên lầu lên tấm, chính quyền cũng biết nhưng có khi cũng làm lơ. Cho nên, dân cũng thắc mắc chỗ đó”.

Theo cơ quan chức năng, để giải quyết những vướng mắc hiện nay, điểm mấu chốt ở đây là cần đảm bảo lợi ích hài hòa cho 3 đối tượng cụ thể: Người dân có nhu cầu tách thửa đất ở thực sự cho con cái ra riêng, người dân có nhu cầu bán một phần diện tích để có tài chính làm ăn sinh sống, và người thu nhập trung bình có nhu cầu về nhà ở từ nơi khác đến.

Hiện Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố đang hướng dẫn các quận, huyện làm kế hoạch sử dụng đất, và điều chỉnh lại kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Với kế hoạch sử dụng đất này, việc tách thửa theo quyết định 33 chỉ thưc hiện được khi phù hợp với kế hoạch sử dụng đất chung của thành phố.

Về hướng giải quyết tình trạng tách thửa trong thời gian tới, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP cho rằng: “Bài toán 33 sẽ được giải quyết bằng bài toán tổng thể. Chúng ta sẽ dự kiến hàng năm đưa vào sử dụng bao nhiêu diện tích đất ở. Khi đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đã được định hướng trong kế hoạch sử dụng đất.

Quyết định 33 chỉ được giải quyết khi có trong kế hoạch sử dụng đất, tính đồng bộ được ràng buộc bởi quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất...”.

 

Nhà tạm, nhà xây cất trái phép mới mọc lên trên đất nông nghiệp ở xã Vĩnh Lộc B. (ảnh minh họa: CAND)

Tiến tới thu hồi dự án không lộ trình...

Nằm ở vị trí cửa ngõ thành phố, huyện Bình Chánh thu hút nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và có quá trình chuyển dịch đất nông nghiệp sang đất đô thị diễn ra mạnh mẽ, điều này khiến công tác quản lý đất đai luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bộ máy chính quyền địa phương. Trong năm 2015, số vụ vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh giảm 66 vụ, tỷ lệ giảm hơn 7% so với năm 2014. Tuy vậy, tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp. Người dân tiếp tục nhắn tin phản ánh về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Một vài nơi việc xử lý chưa triệt để, chậm phát hiện xử lý.

Ông Nguyễn Văn Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhấn mạnh: “Nếu mà các chủ đầu tư không có lộ trình, không có giải pháp cụ thể để thực hiện các dự án thì huyện Bình Chánh tiếp tục kiến nghị thu hồi các dự án này”.

Trong thời gian tới, huyện Bình Chánh tiếp tục thông tin công khai số điện thoại của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn và cán bộ liên quan để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân và tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng. Đây cũng là hướng đi đúng với chủ trương của Thành phố.

Song song đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ đề nghị các quận huyện rà soát lại các khu dân cư hiện hữu, những khu dân cư thấp tầng, đánh giá chi tiết hiện trạng sử dụng đất để tiến hành lập quy hoạch 1/500, loại quy hoạch có mức độ chi tiết cao. Dựa trên quy hoạch này, sẽ lập những dự án với kết cấu hạ tầng hoàn thiện, có sự đóng góp quỹ đất của người dân. Bằng cách này, người dân sẽ được chia cổ tức tùy theo tỷ lệ góp đất của mình trong dự án.

Ông Nguyễn Thanh Toàn – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP nhận định: “Những khu vực này nên để cho người dân góp quỹ đất của mình cho doanh nghiệp để tổ chức theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được nhà nước duyệt, đảm bảo quyền lợi của người dân có đất. Như vậy giải quyết được nhu cầu bán bớt đất để có nguồn tài chính làm ăn cũng như nhu cầu tách thửa cho con sau khi họ nhận đất thương phẩm...”.

Hiện nay, làn sóng đầu tư đất đai vẫn tiếp tục hướng đến khu vực ngoại thành, nơi được đánh giá có tiềm năng sinh lợi trong tương lai. Điều này tất nhiên sẽ gia tăng áp lực lên công tác quản lý đất đai cho chính quyền cơ sở, đặc biệt tại 5 huyện ngoại thành vốn phải luôn cân bằng giữa phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, xu hướng này vẫn mang theo nhiều điểm tích cực và Quyết định 33 của UBND Thành phố chính là công cụ đắc lực đang dần phát huy tác dụng.

Nhiệm vụ của Sở ngành chức năng cùng chính quyền địa phương ngay lúc này phải nỗ lực hơn trong việc công khai minh bạch công tác quy hoạch, tiến trình các dự án, kết nối hiệu quả hơn với người dân và nhà đầu tư. Có như vậy mới tạo ra bệ phóng vững chắc cho công tác quản lý đất đai ở khu vực ngoại thành, không chỉ giải quyết được “khối lượng lớn” bức xúc, kiến nghị từ cử tri mà còn đem đến những lợi ích lâu dài cho người dân cũng như địa phương.