Vấn đề hôm nay: Câu chuyện của những con cưng

(VOH) - Đầu tuần làm việc thứ 3, chương trình Nghị sự của Quốc hội đã tập trung bàn sâu về tình hình làm ăn kinh doanh, chuyện lỗ, lãi của các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước.

Vấn đề hôm nay: Câu chuyện của những con cưng

 

(VOH) - Đầu tuần làm việc thứ 3, chương trình Nghị sự của Quốc hội đã tập trung bàn sâu về tình hình làm ăn kinh doanh, chuyện lỗ, lãi của các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước.

 

 

Vinashin có tên trong danh sách nợ gấp nhiều lần vốn

Đây không phải là chuyện mới, thế nhưng đã tới lúc tình hình tài chính của các Tổng công ty và Tập đoàn - những con cưng của Nhà nước phải cần được mổ xẻ và có hướng tháo gỡ kịp thời.

 

Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy hiện có 47 Tập đoàn và Tổng công ty đang tham gia đầu tư vào các lĩnh vực ngoài chuyên môn của mình như ngân hàng, địa ốc, nhà hàng, khách sạn và cả chứng khoán, bảo hiểm và góp vốn vào các quỹ đầu tư… Việc đầu tư tràn lan đã dẫn tới tình trạng nguồn vốn bị phân tán, thậm chí là chôn vốn và lỗ lã tràn lan. Tổng vốn đầu tư của các Tổng công ty và Tập đoàn nói trên trong các năm 2006-2007 và 2008 lần lượt là 6.400, 16.200 và 21.164 tỷ đồng. Đầu tư khổng lồ như vậy thế nhưng hiệu suất đầu tư, tức là lợi nhuận trên vốn không cao - thậm chí còn thấp hơn nhiều nếu như đem đồng vốn đó đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này.

 

Điều đáng nói là không ít Tập đoàn và Tồng công ty đã mang đồng vốn Nhà nước giao để đầu tư chứng khoán và đều bị thua lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận.

 

Cho tới tháng 12/2008, có một số Tập đoàn - Tổng công ty đầu tư vào chứng khoán. Các tập đoàn khác góp vốn cho Tập đoàn Dầu khí trên 368 tỷ, Tập đoàn cao su 271 tỷ và VinaShin là 144 tỷ. Riêng EVN nếu theo kế hoạch phát triển ngành tới năm 2015 cần 382.930 tỷ đồng. Trong khi đó, họ lại đầu tư vào lĩnh vực tài chính 2.146 tỷ và Tập đoàn này đã từng trả lại 13 dự án điện vì thiếu vốn triển khai!

 

Vì đầu tư tràn lan và không đúng với chức năng như vậy, sự thua lỗ và bị giam vốn, thất thoát vốn là không thể tránh khỏi. Báo cáo của UBTVQH cho thấy có tới phân nửa các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước đang ở vào tình trạng hiệu suất kinh doanh thấp, bị chiếm dụng vốn và tỷ lệ rủi ro về cân đối đồng vốn cao. Đặc biệt là nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn sở hữu. Đến cuối năm 2008 có 7 Tập đoàn nợ quá hạn tới trên 4.000 tỷ đồng, chiếm 3,24% thặng dư nợ của các Tập đoàn tại các tổ chức tín dụng và đáng lo ngại là khả năng mất vốn chiếm tới 15% tổng nợ quá hạn. Chẳng hạn như Tập đoàn tàu thuỷ VN - VinaShin có số nợ quá hạn tới trên 3.800 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng nợ quá hạn của 7 Tập đoàn. Điều đáng nói là Tập đoàn này đã từng được Nhà nước cho vay tới 750 triệu đô la Mỹ để phát triển. Riêng các Tập đoàn và Tổng công ty thuộc nhóm ngành xây dựng đang nợ quá hạn khoảng hơn 1.200 tỷ đồng. Tóm lại là

“tình trạng sức khoẻ” của không ít Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước là rất đáng lo ngại mà nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư tràn lan và không đúng chức năng kinh doanh. Rồi đây Chính phủ sẽ phải rà soát lại hoạt động của các Tập đoàn và Tổng công ty này và có thể sẽ có những đơn vị phải củng cố lại và không loại trừ cả khả năng giải thể vì thua lỗ kéo dài, nhưng vấn đề còn lại là ai sẽ phải gánh chịu những thất thoát hàng ngàn tỷ do lối làm ăn liều lĩnh như vậy gây ra?

 

Việt Anh