Vấn đề hôm nay: Trồng cây xanh chống sạt lở - một giải pháp cần nhân rộng

(VOH) - Năm nào cũng xảy ra một số vụ sạt lở gây thiệt hại không nhỏ về tài sản và con người, đặc biệt là ở các khu vực như: bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh; nhiều điểm ở khu vực rạch Mương Chuối, huyện Nhà Bè; khu vực Sông Vàm Thuật, quận 12,….

Vấn đề hôm nay: Trồng cây xanh chống sạt lở - một giải pháp cần nhân rộng

(VOH) - Trong những năm gần đây, sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở khu vực vùng ven và ngoại thành TP liên tục xảy ra ngày càng phức tạp hơn. Chúng ta đều biết, năm nào cũng xảy ra một số vụ sạt lở gây thiệt hại không nhỏ về tài sản và con người, đặc biệt là ở các khu vực như: bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh; nhiều điểm ở khu vực rạch Mương Chuối, huyện Nhà Bè; khu vực Sông Vàm Thuật, quận 12,….

Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các ngành chức năng của TP mà chủ lực là Sở giao thông vận tải, Sở nông nghiệp phát triển nông thôn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP và lãnh đạo các quận, huyện đã tìm giải pháp đối phó lại với vấn nạn sạt lở bờ sông, trong đó, đơn vị nào cũng chỉ quan tâm việc làm bờ kè đá. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo từ lâu là liệu việc làm kè đá chống sạt lở có hiệu quả không? Và một điều quan trọng hơn là liệu việc kè đá có còn giữ được cảnh quan môi trường đô thị? Cách đây vài năm, lãnh đạo TP cũng đã có nhiều cuộc họp bàn cụ thể về vấn đề này và có vị cũng đã từng kết luận làm kè đá là liệu pháp tối ưu nhất nhưng cần phải tính đến việc làm bồn hoa, trồng cây xanh, tạo khuôn viên giải trí cho người dân. Thế nhưng, đến nay, nhiều nơi kè đá không những chưa vững chắc mà cây xanh, khuôn viên vẫn chưa thấy, còn sự cố về sạt lở thì cứ tiếp tục tái diễn. Cũng cần nhìn nhận rõ hơn nữa là việc thực hiện những kè đá ven sông, ngân sách nhà nước đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhưng hiệu quả của nó thì chưa chắc bằng trồng cây xanh ven sông rạch. Điều đáng nói ở đây là việc kè đá xong thì hàng năm phải duy tu, sửa chữa cũng tốn tiền tỷ từ ngân sách nhà nước, rồi vừa phải thành lập lực lượng bảo vệ những nơi có kè đá. Bên cạnh đó, một điều đáng buồn hiện nay là ở những nơi có kè đá ven sông, tình hình an ninh trật tự lại vô cùng phức tạp với nạn buôn bán café, hàng rong, ghe thuyền neo đậu vận chuyển hàng hóa tấp nập biến nơi đây càng lúc càng phức tạp.

Chúng ta không hề thiếu những loại cây xanh hoang dã, thậm chí có một số loài cỏ nếu trồng ven sông rạch cũng hạn chế được xói mòn. Vậy thì chủ trương trồng cây xanh ven sông rạch chống sạt lở là việc cần phải tính tới và phải làm ngay. Bởi nếu làm tốt mô hình này thì vừa hạn chế tốn kém vừa tạo cảnh quan môi trường đô thị xanh cho TP vốn thiếu thốn về độ che phủ của cây xanh. Mới đây, một thông tin đáng quan tâm là Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM có sáng kiến thí điểm trồng bốn loại cây: lá dừa nước, bần chua, tràm nước và bình bát để chống sạt lở bờ bao của rạch Ụ Ghe và rạch Gò Dưa ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức. Đây là chủ trương mà nếu áp dụng ngay thì có lẽ ai cũng hoan nghênh, ai cũng tán đồng cách làm hiệu quả này.

Theo chúng tôi, các ngành chức năng cần phải tính tới việc đẩy nhanh giải pháp chống sạt lở sông rạch bằng trồng cây xanh chứ không chỉ là xây dựng kè, tường bêtông, cừ bêtông vừa tốn kém, lại phải duy tu, sửa chữa thường xuyên và nhất là không thân thiện với môi trường. Việc trồng cây chắn sóng, chống sạt lở đê bao, bờ sông, rạch dự kiến được triển khai trên toàn TP nhằm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của TP.HCM cần phải khuyến khích và nhân rộng. Đây là một trong các biện pháp rất hiệu quả, giá thành rẻ mà lại thân thiện với môi trường, là việc làm tốt mà lãnh đạo TP cần nghiên cứu triển khai rộng rãi hơn nữa trong thời gian tới./.

Minh Tâm

Bình luận