Về thăm Chợ Đệm

(VOH) - Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP.HCM) từng là một cửa ngõ giao thương quan trọng của Sài Gòn, từng đi vào văn học với tác phẩm "Chợ Đệm quê tôi" của tác giả Nguyễn Văn Trấn, từng được lịch sử ghi nhớ là nơi Xứ ủy Nam kỳ tổ chức hội nghị và ra quyết định nổi dậy cướp chính quyền tháng 8 năm 1945 trên toàn miền Nam.

Chúng tôi về lại Chợ Đệm trong những ngày cuối tháng tám. Nắng vàng rọi trên những con đường tấp nập dòng người và xe. Nơi đây, 69 năm về trước, Xứ ủy Nam Kỳ đã 3 lần tổ chức hội nghị để ra quyết định khởi nghĩa giành lấy chính quyền, góp phần đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đi đến thành công.

Chợ Đệm gồm bốn xã: Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Túc và An Phú Tây. Địa danh này không chỉ là lịch sử mà còn đi vào văn chương qua tập sách “Chợ Đệm quê tôi” của nhà văn Nguyễn Văn Trấn, thường được gọi là Bảy Trấn. Ông không chỉ là nhà văn, nhà báo mà còn là một chiến sĩ cách mạng tham gia lãnh đạo cuộc cách mạng cướp chính quyền vào ngày 25/8/1945. Lần tìm theo dấu xưa, chúng tôi đến nhà ông Bảy Thọ và ông Bảy Trấn, nằm ở bên kia dòng sông chợ Đệm.

Tại căn nhà của ông Bảy Thọ, cũng chính là nơi Xứ ủy Nam Kỳ chọn làm địa điểm gặp mặt của Ủy ban khởi nghĩa, trải bao năm tháng, nơi đây đã có nhiều đổi thay, người xưa cũng đã không còn. Ông Hai Nhất, con trai của ông Bảy Thọ - người tiếp đón và trò chuyện cùng chúng tôi, năm nay đã ngoài 70. Cách đó không xa là nhà ông Bảy Trấn. Ông Năm Nhẫn, người gọi ông Bảy Trấn bằng chú không giấu được cảm xúc bồi hồi khi tưởng nhớ về thời kỳ lịch sử hào hùng mà thuở còn thơ, ông vẫn thường nghe cha và người chú của mình kể lại. Với ông, đây là mảnh đất đã tạo nên những người chiến sĩ cách mạng kiên cường với cuộc khởi nghĩa đưa dân tộc thoát khỏi ách lầm than. Song song với ký ức lịch sử gắn với vùng đất anh hùng của những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn 69 năm về trước, trong những câu chuyện mà ông Hai Nhất và ông Năm Nhẫn kể cho chúng tôi nghe luôn hiển hiện hình ảnh vùng đất Chợ Đệm ngày xưa: tấp nập ghe thuyền từ lục tỉnh lên, từ Biên Hòa xuống.

Nói đến Chợ Đệm là nói đến một vùng đất kênh rạch chằng chịt, nổi tiếng với nhiều vựa lúa, vựa gạo, vựa mắm, vựa củi; nhiều nhà máy xay xát lúa gạo lớn vào hàng nhất nhì Sài Gòn xưa. Thuở thiếu thời, ông Năm Nhẫn thường cùng chúng bạn ra sông Chợ Đệm câu cá kèo. Ông vẫn còn nhớ, thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám là thời kỳ nghèo khó của bà con nơi đây. Nhờ cách mạng thành công, nhiều người dân thoát cảnh bần cùng, lầm than, và cũng từ đó, họ một lòng đi theo Cách mạng.

Cầu Chợ Đệm hôm nay trong tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương - Ảnh: SGGP.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cùng với thành phố, Chợ Đệm đã từng ngày thay da đổi thịt. Nhất là kể từ khi xã Tân Nhựt xây dựng xã Nông thôn mới, những con đường khang trang mọc lên ngày càng nhiều, xe cộ dễ dàng chạy vào tận trong ấp. Ông Năm Nhẫn hào hứng: “Hồi đó đi xuồng không, sáng đi chợ từ trong Tân Nhựt bơi xuồng ra chứ đâu có đi đường bộ được… Bây giờ thì xe cộ chạy ào ào. Ngày xưa các em học sinh phải đi học tạm bợ ở những xã khác, còn hiện thời thì không như vậy nữa. Nhà nước đầu tư ở đây trường cấp 1, cấp 2, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế khang trang lắm!” .

Không chỉ riêng vùng chợ Đệm, khắp huyện Bình Chánh đã và đang trên con đường phát triển. Ông Đoàn Nhật - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh tự hào giới thiệu về vùng đất giàu truyền thống cách mạng: “Huyện Bình Chánh là một địa bàn có từ lâu đời. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Chánh cũng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống anh hùng đó, huyện Bình Chánh sau ngày giải phóng đã tiếp tục xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, trở thành khu vực cửa ngõ phía tây của TPHCM”.

Cùng với địa danh Chợ Đệm, huyện Bình Chánh đang ra sức giữ gìn và tôn tạo các di tích lịch sử như: Khu di tích Láng Le - Bàu Cò, khu căn cứ vườn Thơm, đình Tân Túc... Tiếp nối và bảo tồn các cơ sở di tích lịch sử cũng là một cách để thế hệ con cháu ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống cho quê hương. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Chánh vẫn ra sức xây dựng 14 xã đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới theo 19 tiêu chí đặt ra. Ông Đoàn Nhật thông tin thêm về kết quả đạt được trong những năm gần đây: "Về kinh tế, từng năm, huyện đã có bước tăng trưởng nhất định. Huyện cũng đã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn 14 xã. Qua 2 năm thực hiện, kết quả đạt được cũng rất phấn khởi, một số xã đã cơ bản hoàn thành 15 đến 17/19 tiêu chí, 2 xã đạt 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Như vậy, huyện cũng đang phấn đấu cuối năm nay sẽ phấn đấu tất cả các xã phải đạt trên 17 tiêu chí” .

Dù vẫn còn bộn bề khó khăn phải nỗ lực vượt qua trên chặng đường xây dựng và phát triển địa phương, nhưng với những bước đi đúng theo định hướng mà Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, chúng tôi tin rằng huyện Bình Chánh nói chung và Chợ Đệm nói riêng sẽ phát triển xứng tầm với tiềm năng của một vùng đất lịch sử - chiếc nôi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn 69 năm về trước.