Phó bí thư thường trực Thành uỷ Võ Văn Thưởng cũng đặc biệt lưu ý đến công tác đánh giá cán bộ và nhận định đây là khâu hạn chế nhất hiện nay. Nếu đánh giá cán bộ không đúng sẽ rơi vào cảm tính, không công bằng, làm giảm đi hiệu quả công việc và sức mạnh của cả hệ thống. Vì vậy, việc đề ra tiêu chí đánh giá cán bộ là rất cần thiết và cấp bách. VOH xin trích giới thiệu đến bạn đọc nội dung phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng - Ảnh minh họa: VNN.
Về mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2016, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động chính quyền, thực hiện các nghị quyết Trung ương. Trong các khâu, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, khâu yếu nhất hiện nay là công tác đánh giá cán bộ. Nếu đánh giá không đúng, sẽ rơi vào cảm tính, không công bằng. Vì vậy, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Làm sao tiêu chí đánh giá cán bộ phù hợp với chức danh và đáp ứng yêu cầu công việc.
Kỳ này, tái lập lại Hội đồng nhân dân TP, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đó là yêu cầu và tạo sự chuyển biến trong năm 2016, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử…trong đó, con người, thể chế, tài chính công phải tạo ra bước chuyển rõ rệt, phấn đấu đổi mới phương thức lãnh đạo cấp ủy, và phương pháp, phong cách làm việc của cán bộ. Trong mỗi nội dung phải có người chịu trách nhiệm.
Thời gian qua, người đứng đầu các cơ quan chính quyền như Giám đốc Sở, Chủ tịch quận, huyện rất ngại tiếp dân. Để cải thiện điều này, cần thiết phải đề ra một số tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ đó, không chung chung nữa. Mong muốn của người dân, doanh nghiệp là chính quyền phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, mà TP cũng đã xác định rõ cán bộ công chức là công bộc của dân. Như vậy, để phục vụ dân ngày một tốt hơn thì yêu cầu ngay trong năm 2016 phải tạo ra sự chuyển biến cụ thể, đồng thời giám sát chặt, quy trách nhiệm rõ cho đội ngũ cán bộ.
Năm 2016, yêu cầu lớn nhất phải xác định rõ nội dung, giải pháp của từng ngành, từng lĩnh vực để thực hiện sao cho hiệu quả. Đây là yêu cầu, nội dung quan trọng cần phải thực hiện. Đối với việc cải thiện tốt môi trường đầu tư, đề nghị cần công khai minh bạch, giảm chi phí, thu hút vốn, tạo bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong phát triển đầu tư sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm chi phí gia nhập thị trường, giảm tối đa chi phí “không chính thức”, tạo niềm tin và điều kiện để doanh nghiệp, người dân bỏ tiền vào đầu tư.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là chi phí “bôi trơn” tăng, cạnh tranh bình đẳng không cao, không minh bạch, tiếp cận đất đai khó, thủ tục càng rắc rối hơn, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng giảm dần. Vì vậy, cần cải thiện môi trường đầu tư.