Việt Nam chung tay xây dựng thành phố thông minh, bền vững

(VOH) - Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2021 với chủ đề “Thành phố thông minh trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam quốc tế” chính thức khai mạc vào ngày 2/11 theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam gọi tắt VINASA và Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức với 70 điểm cầu tại 59 tỉnh, thành và sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế.

Việt Nam chung tay xây dựng thành phố thông minh, bền vững, dễ thích ứng trước các biến động 1
Hội nghị được tổ chức với 70 điểm cầu tại 59 tỉnh, thành

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 cùng quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, thành phố thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền, giúp các thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa và cho phép đạt được các mục tiêu gồm: Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; Quản lý đô thị tinh gọn; Bảo vệ môi trường hiệu quả; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030, sẽ hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế này, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định phát triển đô thị thông minh không chỉ là vấn đề mới với VN mà cả các quốc gia trên thế giới, đỏi hỏi phải tìm hiểu, trao đổi, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai.

Thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu ý kiến "Đại dịch Covid-19 là ví dụ điển hình, những thành phố từng được coi là thông minh nhất nhưng đã bất lực, không thể bảo vệ tính mạng, sức khoẻ người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. Đại dịch đã cho chúng ta bài học đắt giá nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hạn chế tồn tại, định hướng phát triển trong tương lai. Với vai trò quản lý nhà nước về chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong đó bao gồm nội dung ICT cho phát triển thành phố thông minh, Bộ Thông tin Truyền thông đã nỗ lực, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương để thúc đẩy triển khai đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam. Bộ đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh, gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng CNTT để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh. Trong bối cảnh VN đang thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi quan niệm rằng: Phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương."

Việt Nam chung tay xây dựng thành phố thông minh, bền vững, dễ thích ứng trước các biến động 2
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho rằng, xây dựng đô thị thông minh không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là nhu cầu bức thiết của các đô thị. Đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành và quản lý cho các tỉnh, thành phố, đặc biệt là cho giai đoạn phục hồi và phát triển như hiện nay. "Với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành một trong những chuẩn mực để phát triển, trở thành một trong những phương thức mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại sự an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế, một xã hội phồn vinh và thịnh vượng."

Đối với mỗi quốc gia tùy theo điều kiện phát triển, trình độ, năng lực khác nhau thì việc phát triển đô thị thông minh sẽ khác nhau. Do đó việc định nghĩa đô thị thông minh tại VN và định hình sự phát triển phải có những đặc thù riêng. Ông Lê Hoàng Trung - Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng: "Đối với VN là nước đang phát triển cũng phải nghiên cứu làm sao từng đô thị phải có đặc thù thông minh và thống nhất quan điểm trên thế giới chưa có đô thị nào thông minh toàn vẹn mà sẽ là giải quyết vấn đề thông minh hơn, hướng đến đô thị phát triển tốt hơn, cuộc sống người dân tốt hơn. Tôi nghĩ không chạy theo xu thế mà phải từng bước định hình phát triển theo lộ trình."

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có 54/63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương triển khai đô thị thông minh. Trong đó, Đông Nam bộ là vùng triển khai thành phố thông minh cao nhất với 6/6 tỉnh thành phố đạt 100%. Có 30 tỉnh TP đã phê duyệt đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh, 15 tỉnh TP phê duyệt kiến trúc phát triển đô thị thông minh ICT, 38 tỉnh TP triển khai trung tâm IOC cấp tỉnh và 21 tỉnh triển khai IOC cấp đô thị. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó cục trưởng Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin Truyền thông cho biết thêm về một số kết quả tiêu biểu: "TP Bình Dương triển khai rất tổng thể dựa trên mô hình 3 nhà, đó là nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường. Đây là mô hình Bình Dương đã học tập từ kinh nghiệm từ Hà Lan, hướng đến sự phát triển bền vững kinh tế xã hội. Tiếp đến là Huế và TP Đà Nẵng, các TP này đã triển khai 15 dịch vụ  đô thị thông minh, đặc biệt có cổng góp ý, phản ánh và tổng đài 1022 hình thành từ 2016 đến nay, cho phép người dân phản ánh mọi hoạt động từ của đô thị cho đến thái độ phục vụ của công chức nhà nước. Đà Nẵng triển khai lên đến 2.000 camera phát hiện vi phạm giao thông, môi trường với 32 trạm quan trắc cảnh báo sớm môi trường, về y tế Đà Nẵng triển khai hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân, 100% người dân được lưu trữ hồ sơ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bệnh viện trong thành phố".  

Là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai và vận hành trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh IOC từ năm 2019, Thừa Thiên-Huế đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật nhất là dịch vụ phản ánh hiện trường của đô thị. Đây là kết quả giữa sự kết hợp công nghệ, sự quyết tâm chỉ đạo của chính quyền TP. Nói về định hướng trong xây dựng phát triển đô thị thông minh của tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ - PCT UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng có 3 mấu chốt quan trọng đó là thực hiện chính quyền số, xã hội số và kinh tế số: "Trong bối cảnh Covid diễn ra, chúng tôi tìm giải pháp ứng dụng CNTT gắn công tác chuyển đổi số đảm bảo tốt nhất an toàn dịch bệnh và tạo nền tảng phát triển KT-XH địa phương. Chúng tôi tăng cường khả năng quản trị của chính quyền, thông qua xây dựng chính quyền số bằng hình thức tập hợp dữ liệu, tạo điều kiện nhà quản lý nắm dữ liệu, quản trị dữ liệu và tổ chức công tác điều hành thuận lợi và minh bạch. Thứ 2 là xã hội số thì chúng tôi thực hiện công tác với người dân là trọng tâm. Người dân tham gia vào thì công tác chính quyền thuận lợi nhiều. Thứ 3, chúng tôi tập trung hướng kinh tế số trở thành động lực để người dân, DN, cộng đồng cùng tham gia với chính quyền để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số."

Trong khi đó, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm trong kiến trúc đô thị thông minh thời gian qua, Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam đã được vinh danh về nỗ lực này không chỉ với Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2020 – 2021 mà cả Giải thưởng Smart City của ASOCIO vào năm 2019.

Thời gian qua, TP Đà Nẵng tập trung vào 6 trụ cột như quản trị thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, công dân thông minh và yếu tố hạ tầng đóng vai trò quyết định. Ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết: "Yếu tố hạ tầng đóng vai trò quyết định, làm nền tảng để triển khai xây dựng dữ liệu, sau khi có hạ tầng tốt, dữ liệu đủ lớn thì việc triển khai các ứng dụng thông minh sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho chinh quyền trong việc ra quyết định, hỗ trợ người dân, DN với các số liệu đã có. Chiến lược của chúng tôi làm sao phát triển, kêu gọi tổ chức, DN đồng hành với TP trong triển khai TP thông minh. Do đó, slogan của Đà Nẵng là "đa đối tác, 1 nền tảng, 1 chính sách, 1 hạ tầng" trong đó đa ứng dụng dành cho người dân, tổ chức và DN".

Với chủ đề về thành phố thông minh trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam quốc tế, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2021 đặc biệt nhấn mạnh vào các xu hướng công nghệ hiện đại được ứng dụng trong lĩnh vực thành phố thông minh hiện nay. Cụ thể, trong 5 ngày diễn ra hội thảo sẽ có tổng cộng 14 phiên tập trung vào 5 chuyên đề: Chính quyền số; Bất động sản thông minh; Khu công nghiệp thông minh: Nền tảng và giải pháp số cho thành phố thông minh; Startup với thành phố thông minh. Bên cạnh các hội thảo, còn có các gian hàng triển lãm trực tuyến, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng CNTT.

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, tổng giá trị của thị trường thành phố thông minh trên toàn cầu đạt xấp xỉ gần 740 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến chạm mốc hơn 2036 tỷ USD vào cuối năm 2026, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép được dự kiến đạt mức trung bình 18,22%. Thị trường Bắc Mĩ đang là nơi phát triển mạnh mẽ nhất, chiếm tỷ trọng 30%, theo sau là khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng số.