Việt Nam dẫn đầu khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số

VOH - Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội đều xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu bắt buộc, tiến trình không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, quốc gia hay từng bộ, ngành, địa phương.

Việt Nam xác định ưu tiên cho tăng trưởng, phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Thực tế cho thấy lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để mỗi quốc gia “bắt kịp, tiến cùng, vượt lên.”

1907thutuongchuyendoiso1-5277
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về chuyển đổi số - Ảnh: TTXVN 

Theo Thủ tướng, nhìn lại những bước tiến trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua rút ra nhiều bài học, trong đó bài học lớn là chuyển đổi số muốn mạnh, muốn nhanh, muốn hiệu quả đòi hỏi vai trò quan trọng, mang tính quyết định của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương. 

Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị về chuyển đổi số với Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thảo luận, làm rõ nhằm thống nhất tư duy, phương pháp, cách tiếp cận để cùng nhau hành động thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng chỉ rõ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường bởi các cuộc xung đột, cạnh tranh chiến lược, dịch Covid-19 ảnh hưởng và gây hậu quả kéo dài, đứt gẫy chuỗi cung ứng, sản xuất, nhiều nước điều chỉnh chính sách tiền tệ… ảnh hưởng tới phát triển kinh tế nước ta.

Trong bối cảnh đó, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ và mang lại hiệu quả thiết thực.

Chuyển đổi số là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Chuyển đổi số được thực hiện toàn diện cả về phát triển hạ tầng số; hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số và các vấn đề liên quan; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số; chuyển đổi số đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng;” kinh tế số đang thẩm thấu dần vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế-xã hội.

Thủ tướng yêu cầu hội nghị thảo luận, đánh giá đúng tình hình, nêu các mô hình hay, bài học quý, cách làm hiệu quả; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong điều kiện kinh phí còn khiêm tốn, còn nhiều khó khăn, nhất là giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo với phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp."

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các báo cáo thế giới đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1.

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45%-55%.

Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).

Bình luận