Việt Nam đóng góp ý kiến xây dựng Công ước về chống tội phạm công nghệ

(VOH) - Từ ngày 9-20/1, đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp của Ủy ban đặc biệt của LHQ xây dựng công ước quốc tế toàn diện về chống sử dụng CNTT- truyền thông cho mục đích tội phạm.

 

Phát biểu trong ngày khai mạc Phiên họp lần thứ 4, Đoàn Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Ban thư ký Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc trong tổ chức và xây dựng dự thảo ban đầu Công ước để phục vụ tiến trình thảo luận.

 

Đoàn Việt Nam cho rằng dự thảo ban đầu đã đặt nền móng vững chắc cho các cuộc đàm phán tiếp theo, với mục tiêu sớm hoàn thiện nội dung dự thảo Công ước để trình Đại hội đồng phê chuẩn.

Việt Nam đóng góp ý kiến xây dựng Công ước về chống tội phạm công nghệ 1
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, do Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên dẫn đầu tham dự Phiên họp.

 

Tại Phiên họp, Đoàn Việt Nam phát biểu ý kiến về một số nội dung dự thảo như phạm vi áp dụng, các tội phạm xâm phạm hệ thống công nghệ thông tin, lừa đảo sử dụng công nghệ thông tin và vấn đề trách nhiệm hình sự cá nhân.

 

Những năm gần đây, không gian mạng đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Bảo vệ an toàn, an ninh mạng, phòng chống các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ thông tin truyền thông trở thành cấu phần then chốt trong chiến lược an ninh của nhiều quốc gia.

Sau 10 năm thương lượng tại các nhóm công tác liên chính phủ, năm 2019, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí thành lập cơ chế Ủy ban đặc biệt với nhiệm vụ sớm xây dựng một công ước quốc tế có tính áp dụng phổ quát nhằm thúc đẩy hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin truyền thông.

Sự ra đời của cơ chế Ủy ban đặc biệt của Liên Hợp Quốc cũng phản ánh sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các loại tội phạm sử dụng công nghệ thông tin truyền thông, đồng thời thể hiện nỗ lực của các nước thành viên Liên Hợp Quốc sớm cho ra đời văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên điều chỉnh vấn đề này.

Xem thêm: Điểm tin sáng 23/1: Xử lí hơn 720 ‘ma men’ ngày mùng 1; Khách đến sân bay TSN cao kỷ lục

 

Tại Phiên họp lần này, dự kiến các nước sẽ thảo luận các nội dung về các điều khoản chung, hình sự hóa các tội phạm mạng, các biện pháp tố tụng và thực thi pháp luật.

 

Dự thảo cuối cùng của Công ước dự kiến được hoàn thiện vào cuối năm 2023 và sẽ trình Đại hội đồng thông qua trong kỳ họp năm 2024. 

Bình luận