Việt Nam đủ điều kiện trở thành trung tâm tài chính mới của châu Á

HÀ NỘI - Việt Nam đang bước vào một hành trình táo bạo nhưng đầy tiềm năng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình “một trung tâm, hai điểm đến”, đặt tại TPHCM và Đà Nẵng.

Phát biểu tại tổ thảo luận về dự thảo nghị quyết, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định đây là quyết định có tính đột phá, song hoàn toàn khả thi.

Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng hai trung tâm riêng biệt có thể dẫn đến cạnh tranh nội bộ vì vậy Chính phủ đã thống nhất phát triển một trung tâm duy nhất nhưng phân bổ chức năng giữa hai địa phương.

"Phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại hai thành phố không xung đột, không làm suy yếu lẫn nhau bởi có chung ban chỉ đạo, cơ quan điều hành", ông Bình khẳng định.

Ông nói thêm rằng Việt Nam đã hội đủ điều kiện phát triển trung tâm tài chính quốc tế, và "nếu không làm lúc này sẽ không có nguồn lực, khó cạnh tranh được với các trung tâm tài chính ở Thượng Hải, Singapore, Dubai...".

Nguyen-Hoa-Binh2-1749619745-1787-1749620073
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu ở thảo luận tổ sáng 11/6 - Ảnh: QH

TPHCM sẽ đóng vai trò là “đầu tàu” phát triển toàn diện các sản phẩm tài chính như chứng khoán, trái phiếu, thị trường phái sinh, bảo hiểm, ngân hàng và dịch vụ quản lý tài sản. Đây cũng là nơi thử nghiệm các công nghệ tài chính (fintech), phát triển sàn giao dịch hàng hóa và nền tảng tài chính mới, với tham vọng vươn tầm khu vực và quốc tế.

Đà Nẵng được định hướng là trung tâm tài chính xanh, hỗ trợ tài chính thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup và tổ chức không cư trú. Thành phố sẽ tập trung vào các dịch vụ tài chính offshore, kiểm soát thử nghiệm tài sản số, tiền số và thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối...

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để Trung tâm tài chính quốc tế đi vào vận hành, Việt Nam cần một môi trường kinh doanh cạnh tranh cao, pháp lý rõ ràng, nhân lực chất lượng và hạ tầng hiện đại. Dự thảo nghị quyết đưa ra 12 chính sách đặc thù, bao gồm các ưu đãi mạnh mẽ về thuế, đất đai, thị thực, nhân lực và giải quyết tranh chấp.

Doanh nghiệp trong trung tâm tài chính sẽ được áp dụng thuế suất 10% trong 30 năm, miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Các dự án được thuê đất tối đa 70 năm, người nước ngoài được mua nhà trong các dự án thuộc trung tâm tài chính.

Về pháp lý, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư kinh doanh được thiết kế mở cho phép áp dụng luật nước ngoài nếu không trái quy định Việt Nam, đặc biệt là trong các hoạt động đầu tư phái sinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị làm rõ các chính sách có đủ sức cạnh tranh và hấp dẫn nhà đầu tư hay không và cần xác định rõ các điểm “khác biệt riêng có” để Việt Nam không chỉ hòa vào mà còn nổi bật trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong đầu tư kinh doanh cũng là vấn đề mấu chốt khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Các bên được sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp theo luật nước ngoài nhưng không được trái nguyên tắc của pháp luật Việt Nam.

Riêng hoạt động đầu tư kinh doanh phái sinh, việc giải quyết sẽ theo cơ chế đặc thù, nhằm xử lý nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo công lý, thân thiện với các nhà đầu tư tham gia.

Bình luận