Việt Nam ưu tiên mục tiêu vì một 'ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng'

Trong năm nay, Việt Nam sẽ ưu tiên việc tổ chức đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025.

Ngày 22/6 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban thư ký ASEAN đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (SOCA) với vai trò là nước chủ tịch.

Hội nghị do ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Trưởng SOCA Việt Nam chủ trì với sự tham gia của các Trưởng SOCA các nước thành viên ASEAN, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, đoàn đại biểu các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

Việt Nam ưu tiên mục tiêu vì một 'ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng'

Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến Quan chức Cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch hội nghị, Trưởng SOCA Việt Nam khẳng định năm 2020 là một năm quan trọng của ASEAN khi tất cả các cơ quan chuyên ngành tiến hành đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của giai đoạn trước và chuẩn bị xây dựng kế hoạch công tác cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới việc đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025. Đây cũng là một năm đặc biệt trong công tác văn hoá-xã hội khi tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều đang ít nhiều chịu ảnh hưởng của đại dịch Corona virus (COVID-19).

“Đại dịch không chỉ để lại những tác động tiêu cực đến sức khoẻ của người dân, mà còn có những ảnh hưởng sâu rộng đến sinh kế của người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế. Theo đó, Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên chủ động và tích cực triển khai các hoạt động, sáng kiến để ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, đúng với tinh thần và chủ đề của ASEAN 2020 ‘ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng’,” ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm trong năm nay, Việt Nam cũng hướng ưu tiên của mình vào việc tổ chức đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 161) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016. Kết quả của đánh giá sơ kết sẽ phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 tại Việt Nam và tăng cường những thảo luận về vấn đề phát triển nguồn nhân lực.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận về các hoạt động, lĩnh vực ưu tiên trong năm 2020. Theo đó, các nước thành viên ASEAN thống nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ và thực hiện hiệu quả các kế hoạch hoạt động chuyên ngành cũng như rà soát việc thực hiện các kết hoạch đó trong 5 năm vừa qua để hỗ trợ cho việc Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2025 ở cả cấp quốc gia và cấp khu vực. Dự kiến Báo cáo này được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020. Ngoài ra, hội nghị cũng lưu ý cần đẩy nhanh việc thảo luận với Timor-Leste về các nội dung chuyên ngành liên quan nhằm tìm hiểu về sự sẵn sàng, khả năng đáp ứng các kỳ vọng ASEAN của quốc gia này.

Việt Nam ưu tiên mục tiêu vì một 'ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng'

Đoàn Việt Nam đã có những trao đổi rõ hơn về những ưu tiên của mình trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đoàn Việt Nam đã có những trao đổi rõ hơn về những ưu tiên của mình trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 nói chung và trong Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nói riêng nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận đối với các nước thành viên trong năm bản lề quan trọng của cộng đồng. Dự kiến trong năm 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy thảo luận và hướng tới các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Lao động và phát triển nguồn nhân lực; phúc lợi xã hội và phát triển; y tế; truyền thông và thông tin; văn hóa ASEAN; thanh niên; môi trường và biến đổi khí hậu; đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.

Những trọng tâm trao đổi phù hợp với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” cũng như 5 ưu tiên: Hòa bình, an ninh và ổn định; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả của bộ máy ASEAN.

Liên quan đến vấn đề về dịch bệnh COVID 19, Ban Thư ký ASEAN cũng tóm tắt cho hội nghị về các hoạt động đang được triển khai hoặc đang được lên kế hoạch ở cấp Bộ trưởng hoặc cấp quan chức của Cộng đồng Văn hoá-Xã hội ASEAN (ASCC), phù hợp với các quyết định và Tuyên bố của Lãnh đạo về chủ trương phối hợp ứng phó khu vực trước tình hình đại dịch COVID-19.

Hội nghị đã thống nhất trình Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 23 thông qua 2 văn kiện, tuyên bố để trình lên các Hội nghị Cấp cao ASEAN gồm: Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay và điều khoản tham chiếu của Hội đồng TVET ASEAN.

Hội nghị quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (gọi tắt là SOCA) là cơ quan giúp việc của Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (gọi tắt là ASCC), được tổ chức 2 lần/năm ngay trước các Hội nghị ASCC nhằm chuẩn bị để báo cáo lên Hội nghị ASCC các nội dung và các văn kiện liên quan.

Nguồn: TTXVN

Bình luận