Theo bà Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng chóng mặt trong 15 năm qua. Tính đến năm 2023, trung bình mỗi người dân sử dụng gần 70 lít đồ uống có đường mỗi năm, gấp 4 lần so với năm 2009. Trong khi đó, tình trạng thừa cân, béo phì ở người lớn và trẻ em ngày càng đáng lo ngại, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như tiểu đường loại 2, tim mạch, đột quỵ và ung thư.
Bà Pratt cho rằng đánh thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để làm thay đổi hành vi tiêu dùng, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên – những nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi giá cả. WHO ghi nhận đã có khoảng 110 quốc gia áp dụng biện pháp thuế đối với đồ uống có đường. Kết quả cho thấy đây là giải pháp “hai trong một” – vừa giảm gánh nặng bệnh tật, vừa tăng thu ngân sách cho nhà nước.

WHO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Một lon nước ngọt 330 ml có thể chứa tới 10 thìa cà phê đường – một con số ít người biết tới. Bên cạnh việc đánh thuế, cần triển khai các chương trình truyền thông nhằm khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, giảm hút thuốc, hạn chế rượu bia.
Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. WHO cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để đưa đồ uống có đường vào diện áp thuế. Nếu chậm trễ, xu hướng tiêu thụ tiếp tục gia tăng sẽ kéo theo hệ lụy nghiêm trọng với sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trước lo ngại rằng việc đánh thuế sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và ngành sản xuất, WHO khẳng định thực tế tại nhiều quốc gia đã bác bỏ lập luận này. Người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn đồ uống ít hoặc không đường, đồng thời các nhà sản xuất có thể điều chỉnh công thức phù hợp xu hướng mới.
WHO cũng bày tỏ ủng hộ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy lối sống lành mạnh, nói không với rượu bia và thuốc lá. Bà Pratt cho biết WHO sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình hướng tới mục tiêu khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho toàn dân vào năm 2030 – một chủ trương đầy tham vọng nhưng khả thi nếu có nguồn lực vững vàng.
Nguồn lực đó, theo WHO, có thể đến từ các khoản thuế đối với thuốc lá, rượu bia và đặc biệt là đồ uống có đường – nếu được triển khai sớm và quyết liệt.