Dự báo, ranh mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu vào các vùng đất liền từ 15-20km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, và một phần Hậu Giang, Vĩnh Long.
Tình hình mặn sẽ đạt đỉnh từ tháng 2 đến tháng 4/2025, với phạm vi xâm nhập mặn có thể lên tới 45-60km từ cửa sông. Việc vận hành thủy điện trên dòng Mê Công có thể thay đổi dòng chảy, làm tăng thêm mức độ xâm nhập mặn so với dự báo ban đầu.
Để đối phó với tình hình này, các địa phương cần chủ động trong việc xuống giống sớm và tích trữ nước để đảm bảo nguồn nước sản xuất, tránh thiệt hại trong giai đoạn mặn cao.
Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo tăng cường giám sát và cập nhật thông tin dự báo mặn để có các biện pháp ứng phó kịp thời, bảo vệ sản xuất và sinh kế của người dân.
Về mùa lũ năm 2025, căn cứ điều kiện triều cường, tác động biến đổi khí hậu gây ra mưa, dự báo sơ bộ cho thấy lũ năm 2025 đầu nguồn sông Cửu Long có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10.
Đỉnh lũ năm 2025 trên vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến ở mức xấp xỉ và trên mức báo động I, một số trạm dưới mức báo động I. Ở vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long đỉnh lũ phổ biến trên mức báo động III, một số trạm từ báo động II - báo động III; thời gian đạt đỉnh phổ biến rơi vào kỳ triều cường cao nhất tháng 11, một số trạm đỉnh lũ rơi vào kỳ chính vụ tháng 10. Đỉnh triều cao nhất năm 2025 tại các trạm vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện vào kỳ triều cường tháng 11.