Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Kỳ 1: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

(VOH) - Nhóm Phóng viên VOH có chuyến hành trình về thăm lại mảnh đất Quảng Trị - nơi xuất phát của đường Trường Sơn và thực hiện phóng sự 5 kỳ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm ngày mở đường Trường Sơn – ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn 19/5/1959 – 19/5/2019, nhóm Phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) có chuyến hành trình về thăm lại mảnh đất Quảng Trị , nơi xuất phát của đường Trường Sơn và thực hiện phóng sự 5 kỳ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Kỳ 1 loạt bài với nhan đề: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

“Hỡi Miền Bắc đó, nặng đôi vai

Gánh cả non sông, vượt dặm dài

Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”

(Bài thơ Theo chân Bác - Tố Hữu)

Trong ký ức của ông Bùi Đức Mạo, một trong 500 bộ đội có mặt ngay trong những ngày đầu thành lập Đoàn 559 - đơn vị đầu tiên của bộ đội Trường Sơn với nhiệm vụ vừa mở đường, vừa giữ được cơ sở cách mạng nơi tuyến đường đi qua, xác định hướng mở tuyến, vị trí đặt trạm, quy ước thông tin liên lạc, đối phó các hoạt động tình báo, gián điệp của địch. Khi ấy hầu hết các chiến sĩ đều trong độ tuổi rất trẻ sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ và không xác định ngày về miền Bắc, chỉ có mục tiêu duy nhất là mở đường Trường Sơn tiến vào giải phóng Miền Nam. 

"Chúng tôi là người trẻ nên còn có sức. Cho nên đói thì đói, vất vả thì vất vả nhưng vẫn chịu đựng. Chuyện về lại miền Bắc là không nghĩ đến. Người đi trước dẹp lá cây mở đường, người đi sau lấp lại. Cứ đi mãi vào miền Nam, chỉ có giải phóng miền Nam mới trở ra. Chỉ có những người có mặt trong đoàn 559 mới biết được đường Trường Sơn gian khó biết dường nào, giờ có nói lớp trẻ cũng không hiểu được", ông Bùi Đức Mạo chia sẻ.

Nhất Hương - Thùy Linh - Ngọc Phong - Quỳnh Anh

Nhất Hương - Thùy Linh - Ngọc Phong - Quỳnh Anh

Chiến tranh đã qua đi, những bộ đội Trường Sơn năm xưa quay về viếng thăm đồng đội cũ một thời từng sát cánh, không lùi bước trong những trận chiến ác liệt để xây dựng đường Trường Sơn huyền thoại trở thành tuyến vận tải chiến lược hoàn chỉnh. 

Đoàn 559 quyết định mở tuyến hành lang bắt đầu từ Khe Hó, phát triển về hướng Tây Nam, điểm cuối cùng đặt trạm là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Lộ trình tuyến hành lang vượt qua nhiều núi cao hiểm trở, nhiều sông, suối và qua cả hệ thống đồn bốt của địch, khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là: ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.

Trong hơn 10 năm tham gia chiến đấu mở đường Trường Sơn và may mắn sống sót, cho đến bây giờ khi đã bước sang tuổi 90 với 60 năm tuổi Đảng, ông Mai Duy Khiêm ở Đông Hà, Quảng Trị vẫn còn minh mẫn và kể cho chúng tôi nghe từng chi tiết một. Ông cho rằng chỉ có ý chí kiên cường, lòng quả cảm mới có thể vượt qua muôn ngàn gian khó để làm nên con đường Trường Sơn trong mưa bom lửa đạn. "Địch phát hiện mình đi là đánh, đánh B52 cứ 15 phút là 1 trận. Lúc đầu là gùi thồ sau tiến lên thồ, có những đồng chí thồ đến 3 tạ. Chúng đánh dữ dội quá, ta mở nhiều đường ngang dọc để chúng mất tập trung. Rồi đưa cơ giới công binh mở đường xong tiến tới đưa xăng dầu vào. Chúng ta làm ống dẫn dầu để phục vụ mở đường, cứ anh trên đạp lên vai anh dưới làm nấc thang đưa dầu lên", ông Mai Duy Khiêm kể lại.

Nhất Hương - Thùy Linh - Ngọc Phong - Quỳnh Anh

Đến cuối năm 1959, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh được thiết lập thực sự là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Do mới thành lập, vừa tổ chức vừa xây dựng lực lượng vừa soi lối mở đường nên việc vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam gặp muôn vàn khó khăn, ta vừa xây xong thì địch phá vỡ và ta lại tiếp tục xây. Ông Đoàn Văn Cam, công binh Đoàn 559 kể lại: "Tất cả mọi người không quản hy sinh vất vả, không nghĩ đến hy sinh mà chỉ nghĩ đến miền Nam, sự sống, cái chết cận kề trong chốc lát . Phương châm "địch đánh đến đâu ta giải quyết đến đó" để tiếp tục đi, địch đánh xong rà phá từ trường tiếp tục bắt cầu cho xe qua".

Bên cạnh những sự hy sinh, mất mát với muôn vàn gian khổ của chiến sĩ bộ đội Trường Sơn thì còn có sự tiếp sức không nhỏ các nữ du kích, dân công, thanh niên xung phong. Những người phụ nữ cũng luôn mang trong mình dòng máu anh hùng cách mạng. Bằng rất nhiều việc làm khác nhau, các chị đã âm thầm đóng góp làm nên con đường huyền thoại. Và một trong số những người thầm lặng ấy, ngày nay còn ở lại trên mảnh đất Quảng Trị, là nữ du kích Đỗ Thị Chính, người có 9 năm chăm lo các bữa ăn cho bộ đội. "Vùng này bom của giặc ném xuống rất nhiều, tất cả thân cây to còn cháy chứ huống chi cây cỏ, rau xanh. Việc kiếm được rau rừng cải thiện cho bữa ăn rất gian khổ, phải vào rừng rất sâu, chỗ nào có rau thì vào", bà Đỗ Thị Chính nhớ lại.

Với tâm trạng nặng trĩu nhớ về những tháng ngày năm xưa, ông Dương Hữu Huệ, người thương binh già xúc động trước thành cổ Quảng Trị, nơi chiến trường xưa cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu, nơi đã đổ bao máu xương của anh em, đồng đội ông trong cuộc chiến 81 ngày đêm - một trong những trận chiến ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972, kể lại: "Năm 1972, cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ rất ác liệt, hy sinh trên 10 vạn người. Chú về đây vô cùng cảm động, bởi vì dù chú là thương binh, nhưng chú vẫn còn may mắn còn sống, trở về với gia đình là còn hạnh phúc. Trong khi anh em tuổi mười tám đôi mươi, thì nằm lại chiến trường. Có người vẫn chưa được tìm được phần mộ để về với đất mẹ, rất đau xót".

Tất cả những mất mát, đau thương của người ngã xuống và những người đang sống là tiền đề để sau này Đảng ta đã lãnh đạo, làm nên những thắng lợi quan trọng, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Như chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tơ, quê ở Hà Tĩnh, nhập ngũ tháng 8/1971, rồi trở về sau chiến tranh ông còn duy nhất một con mắt. "Tôi bị thương vào lúc 11g30 ngày 19/04/1975, trong trận chặn đánh đường quốc lộ 4, không cho địch vào Sài Gòn, binh đoàn của tôi là Quân đoàn 7 miền Tây Nam bộ. Tôi rất cảm động, thương xót cho những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống vì đất nước, vì Tổ quốc", ông Nguyễn Văn Tơ xúc động nói.

Chiến tranh ác liệt là thế, nhưng tinh thần người lính cụ Hồ luôn lạc quan, tràn trề sức sống tuổi 20. Họ không hề sợ sệt, bất cứ điều gì cũng không làm lung lay ý chí. Xâu chuỗi lại, ông Trần Hữu Đức, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị nói: "Khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chú thuộc thế hệ sinh viên gác bút nghiêng đi theo tiếng gọi của Bác. Lý tưởng ấy được ấp ủ, được nuôi dưỡng từ mái trường xã hội chủ nghĩa, tình yêu quê hương đất nước thắm đượm từ trong các trang lịch sử của dân tộc. Vì vậy khi gác bút nghiên đi chiến đấu rất vô tư, hồn nhiên, đi ra trận không hề nghĩ đến cái chết, ra trận cứ phơi phới khí thế".

Những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng vẫn không phai nhạt trong ký ức của những người còn sống, họ dù phải trải qua làn tên mũi đạn nhưng may mắn hơn đồng đội, họ còn được về gia đình, người thân. Chính vì vậy, nên sự đau đáu về đồng đội luôn hiện hữu trong tim, dù chính người còn sống đây đã từng một thời anh dũng cầm súng, không hề sợ hãi trước kẻ thù. Chiến tranh bao giờ cũng ác liệt, cũng tàn khốc và để chúng ta thấy giá trị của hòa bình! Giá trị của hòa bình là một điều tuyệt vời nhất mà nhân dân chúng ta đã đánh đổi bằng bao máu xương của chiến sĩ nằm xuống, là vô vàn những hoàn cảnh chia ly đau xót, mẹ xa con, vợ xa chồng mà đến giờ khi nhắc lại không cầm được nước mắt. Những câu chuyện xúc động đó sẽ được chúng tôi tiếp tục gửi đến quý thính giả trong kỳ 2 của phóng sự, nhan đề: “Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 - chắp cánh cho biểu tượng hòa bình”. 

(Còn tiếp)