Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo để chống bỏ quên trẻ

VOH - Ngày 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, ngày 22/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ., cơ bản các ý kiến đều tán thành với dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non,... phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo luật.

Cụ thể, Điều 46 (Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non) của dự thảo luật quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng một số yêu cầu.

Le Tan Toi 800
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới - Ảnh: TTXVN

Đối với ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải có có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm;

Có màu sơn theo quy định của Chính phủ; có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.

Đối với ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non, dự thảo luật yêu cầu, phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.

Dự thảo luật cũng nêu rõ, khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi ô tô. Người lái xe, người quản lý có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.

Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

Xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

Trừ điểm bằng lái không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Liên quan đến điểm của giấy phép lái xe, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến cho rằng trừ điểm giấy phép lái xe là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung.

Dự luật hiện quy định trường hợp bằng lái trừ hết điểm, sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 8, điều 60 của luật này do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Về nội dung này, một số ý kiến đề nghị giao Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ để phục hồi điểm trừ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Ông Tới cho hay thường trực ủy ban thấy rằng quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe.

Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm.

Việc này không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 

Bình luận