Xe máy, ôtô tự bốc cháy có liên quan đến xăng giả của đại gia Trịnh Sướng

(VOH) - Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay vụ án xăng giả đã giúp công an giải đáp được một số lý do xe đang chạy bỗng bốc cháy.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, sau một thời gian điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án buôn bán xăng giả thuộc doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng. 

Vụ sản xuất xăng giả này đã diễn ra nhiều năm, có nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan, phạm vi cung cấp xăng giả rất rộng bao gồm các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và đã lan ra một số địa phương phía Bắc.

tự bốc cháy,  Trịnh Sướng, xăng giả

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Infonet

Việc phá án đã giúp công an giải đáp được một số vấn đề, ví dụ vì sao ôtô, xe máy đang lưu thông trên đường bỗng dưng bốc cháy và kết quả giám định cũng cho thấy loại xăng giả này có "ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và có thể gây hỏng động cơ".

Đầu tháng 6, Công an Đăk Nông khởi tố vụ án liên quan ông Trịnh Sướng (Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng) và 22 người có liên quan.

Ông Sướng và các đồng phạm thừa nhận đã bán ra thị trường khoảng 19,5 triệu lít xăng giả với giá thấp hơn thị trường 7.000-10.000 đồng mỗi lít, thu lợi bất chính hơn 130 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng đường dây này tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả.

Sau ý kiến của đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận vụ án Trịnh Sướng cho thấy sự phối hợp "chưa kịp thời" giữa các lực lượng quản lý, kiểm soát mặt hàng này, như Ban chỉ đạo 389, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, quản lý thị trường... các các địa phương. 

"Trong khi đợi cơ quan công an điều tra làm rõ vụ án, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt việc kiểm tra, quản lý, phối hợp để đấu tranh có hiệu quả với nạn làm hàng giả và gian lận thương mại.  Sau khi có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ rút ra các kinh nghiệm trong quản lý, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật để chúng ta kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Sẽ có thông tư về hàng "made in Vietnam" 

Trả lời đại biểu về các sản phẩm xuất xứ Việt Nam nổi lên thời gian gần đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế đã có khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động các sản phẩm đối với hàng xuất xứ Việt Nam quy định tại nghị định 43 dựa trên luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và nghị định 31 ban hành mới đây dựa trên cơ sở luật Quản lý ngoại thương.

Hai nghị định này hướng tới 2 mục tiêu khác nhau. Nghị định 43 yêu cầu các DN, tổ chức khi sản xuất các sản phẩm công bố và tự ghi xuất xứ cho sản phẩm của mình. Nghị định 31 hướng tới cung cấp điều kiện để DN sản xuất hàng Việt Nam và được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu, trong đó quy định rõ, hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam phải tối thiểu 30%.

Chính vì vậy thời gian vừa qua, phần lớn các hoạt động xuất xứ hàng hóa trong xuất khẩu đều được kiểm soát nghiêm bởi cơ quan hải quan, thuế.

Nghị định 43 mới dừng ở mức đăng ký xuất xứ, chưa có tiêu chí, hàm lượng cụ thể để hướng dẫn cho DN khi cung cấp sản phẩm của mình.

Bộ Công thương đã phát hiện vấn đề này, và hơn 1 năm qua, Bộ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xin phép Chính phủ xây dựng thông tư về hàng "made in Vietnam" và đã hoàn thành dự thảo thông tư bước đầu.

Dự thảo này đang lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan chức năng. Sau khi lấy ý kiến xong, Bộ Công thương sẽ tổng hợp xin ý kiến Chính phủ.

Riêng hàng xuất khẩu vẫn phải thực hiện theo Nghị định 31.

33% lao động tự ý phá bỏ hợp đồng

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhiều nội dung liên quan đến tình trạng lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động tự ý bỏ ra ngoài làm việc, chi sai bảo hiểm thất nghiệp...

tự bốc cháy,  Trịnh Sướng, xăng giả

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: TTXVN)

Trước thực trạng người lao động tự ý phá bỏ hợp đồng, bỏ ra ngoài làm việc, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động và làm mất ổn định thị trường lao động của nước đối tác, làm giảm uy tín của lao động Việt Nam, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) chất vấn về trách nhiệm quản lý và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tình trạng này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc. Năm 2016 được đánh giá là năm có tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài cao nhất, ở mức 55%. Tuy nhiên đến nay, con số này giảm còn 33% và nước đối tác cho rằng đây là tỷ lệ chấp nhận được.

Về việc người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài phải trả chi phí môi giới cao hơn nhiều lần so với các nước khác trong khối ASEAN, việc bảo vệ quyền lợi người lao động gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích tại một số nước, các doanh nghiệp chỉ đưa người đi sang nước ngoài lao động là hết trách nhiệm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn phải quản lý, thậm chí tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra tại nước đối tác.

Năm 2017 có xấp xỉ 127.000 người, năm 2018 khoảng 143.000 người Việt Nam sang lao động tại nước ngoài. Không chỉ số lượng, địa bàn lao động cũng được mở rộng như Australia, Đức, Romania và gần đây nối lại với Séc sau một thời gian gián đoạn.

Hiện nay, khoảng 350 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đưa người Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Ông khẳng định doanh nghiệp Việt căn cứ vào các quy định pháp luật và hiệp định lao động giữa hai nước để quy định mức tiền chi trả.

Xử lý nghiêm các trường hợp chi sai vì mục đích trục lợi

Vấn đề chi sai bảo hiểm thất nghiệp và trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng và các cơ quan liên quan trong việc này, được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay số liệu của Kiểm toán Nhà nước năm 2015 có đề nghị thu hồi 18,8 tỷ đồng. Sau đó, giải trình ở các cuộc họp, Kiểm toán chấp thuận cho chi 5,4 tỷ đồng, còn 13,8 tỷ đồng chi không đúng, đến nay đã thu hồi đủ số tiền trên.

Năm 2018, Kiểm toán đã phát hiện và kết luận một số trường hợp với tổng số tiền chi sai là 18,9 tỷ đồng. Theo thông báo, chủ yếu số này do tình trạng chưa kết nối nên nhiều trường hợp khi thất nghiệp và nhảy việc nhưng vẫn làm thủ tục để nhận bảo hiểm thất nghiệp. Ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng cho biết trong tuần tới, ông sẽ dành thời gian để nghe cụ thể vấn đề này, làm việc trực tiếp với Kiểm toán về cách thức xử lý trong từng trường hợp.

“Tinh thần là đối với tất cả các trường hợp chi sai vì mục đích trục lợi phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những trường hợp chi cho người thất nghiệp để đào tạo nghề, chuyển nghề mà trong quá trình đó, người lao động đồng thời nhảy việc, tùy từng trường hợp sẽ xử lý cụ thể. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường ba giải pháp cơ bản, trước hết là Chính phủ đang chỉ đạo Bộ xây dựng Đề án cải cách bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 28. Thứ hai, năm 2020, thanh tra của Bộ, ngành sẽ tập trung thanh tra về thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, thời gian qua chưa tập trung tốt vấn đề này. Thứ ba, tăng cường quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bình luận