Đóng góp ý kiến về dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan đến đông đảo người dân, người lao động.
Vì vậy, việc sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, đại biểu cho rằng, tại điểm b khoản 1 Điều 64 có quy định trường hợp người lao động được nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt, trong danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Tuy nhiên giáo viên mầm non không thuộc các trường hợp đã nêu tại điểm này, do đó tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại điểm a dự thảo luật.
Theo đại biểu, quy định này chưa phù hợp, vì đặc thù của giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, đây là lứa tuổi khá hiếu động.
Trong suốt quá trình làm việc, giáo viên mầm non phải tổ chức nhiều hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa hát, thể dục, chăm sóc trẻ, do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Điểm c khoản này, dự thảo luật có quy định giao Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt, Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù vị trí nghề nghiệp, hoặc bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại để áp dụng điều kiện nghỉ hưu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64.
Rà soát các tác động việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, bảo hiểm xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi cho người lao động…
Để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo luật, đại biểu Hương bày tỏ quan tâm đến đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo đó, nữ đại biểu thống nhất với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đã đề xuất, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng như nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nhóm người làm việc không trọn thời gian, nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã đều là những người có thu nhập thấp.
“Chính vì vậy, đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn các tác động của các chính sách liên quan về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội một lần, xác định rõ chủ thể sử dụng lao động và việc bảo đảm kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội… để qua đó các chính sách thực sự khả thi và thuận tiện cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.”, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương nêu ý kiến.