Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

(VOH) -Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 8h00 sáng 25/10, Quốc hội tiến hành hảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn.

Đến nay, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 8 chương với 118 điều, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều, trong đó 102 điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; về bố cục, tăng thêm 02 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, mục trong các chương.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án Luật cũng như vấn đề liên quan các đại biểu quan tâm.

Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu: "Dự thảo quy định chung việc thành lập chưa quy định về Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Đề nghị nghiên cứu quy định về cơ quan thanh tra ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và quy định về tổ chức thanh tra chuyên ngành ở trung ương và địa phương ở Bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định"

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ sự tán thành việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra tổng cục, cục; thành lập thanh tra sở tùy theo tính chất đặc thù của mỗi tỉnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích, việc quy định hệ thống thanh tra ba cấp là cần thiết, đặc biệt với việc thành lập thanh tra huyện.

Theo đại biểu, dù ở huyện với quy mô dân số nhỏ cũng cần có cơ quan thanh tra. Điểm yếu của các cơ quan này là do chưa được bố trí nguồn lực đầy đủ, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Nhưng nếu thiếu thanh tra huyện thì ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp huyện, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Về Thanh tra huyện: Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua.

Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục: Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập; đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng phân định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành để bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán: Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung, làm rõ các quy định về tránh sự chồng chéo, trùng lặp ngay trong nguyên tắc hoạt động thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra, về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra.

Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, quy định cụ thể và phân định rành mạch trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của Đoàn thanh tra.

Để tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, dự thảo Luật bổ sung quy định “Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp”; đồng thời, làm rõ các nội dung theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành. 

Để có cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; Về hoạt động thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; Về xử lý chồng chéo, trùng lặp và phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước và các nội dung khác mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.