Xuân Lộc - sức vươn của vùng đất anh hùng

(VOH) - Là huyện miền núi nằm ở địa giới cuối cùng của tỉnh Đồng Nai, Xuân Lộc của trước đây là mảnh đất nghèo khó nắng bụi, mưa lầy. Dãi dầu mưa nắng cần lao, Xuân Lộc - miền “đất lành” giờ thu hút ngày càng nhiều cư dân từ mọi miền Tổ quốc đến mưu sinh lập nghiệp. Về Xuân Lộc hôm nay, dẫu là người trước nay chỉ biết đến địa danh này qua lịch sử, hay là cư dân từ sơ khởi của mảnh đất này, lòng người ai nấy đều rộn lên một niềm vui. Niềm vui ấy không chỉ từ danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới mà huyện vừa vinh dự được Nhà nước phong tặng, mà nó còn ẩn chứa trong nếp sống người dân đang từng ngày góp công sức xây dựng nông thôn mới nơi đây.

Nắng tháng tư, đất Xuân Lộc mướt màu cây trái. Sự đa dạng về thổ nhưỡng, phù hợp với rất nhiều loại cây trồng, cộng với sự chuyên cần trong lao động của con người đã làm nên đặc trưng cho miền đất giàu sản vật này. Xã Xuân Định - có hơn 90% đồng bào Công giáo, hiện đang là xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Đồng Nai khi 19/19 tiêu chí Nông thôn mới xã đã đạt được trong năm 2011. Theo Bà Nguyễn Thanh Hương - Chủ tịch UBND xã Xuân Định: có được thành quả ấy là nhờ những chủ trương chính sách hợp lòng dân của địa phương, đã huy động được sức dân rất lớn trong quá trình xây dựng phát triển xã nhà, nhất là trong phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn. Bà Nguyễn Thanh Hương cho biết:

Từ những chủ trương đúng đắn: dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra và dân tự hưởng, góp sức xây dựng quê hương là cách mà mỗi người dân nơi đây phát huy thành quả của các thế hệ đi trước để xây dựng tương lai. Trong những ngày cả nước hướng đến kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cũng như tất cả những người dân khác của huyện Xuân Lộc, ông Bùi Đức Tân - người dân ở ấp Bảo Thị, xã Xuân Định tự hào chia sẻ:

Góp sức cho sự phát triển của địa phương, người dân Xuân Lộc còn xem đây là thời cơ để xây dựng đời sống mới. Trong năm 2011, vốn đầu tư cơ bản huy động từ dân cư đạt 1.300 tỷ đồng. Có những người dân như ông Bùi Văn Nghĩa ở ấp Hòa Hợp, xã Bảo Hòa sẵn sàng hiến hơn 1000 mét vuông đất và đóng góp thêm gần 100 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. Bên vườn chôm chôm đang trổ những trái non tơ xanh mướt hứa hẹn một vụ mùa bội thu, ông Bùi Văn Nghĩa mộc mạc chia sẻ:

Trên khắp các con đường ngõ xóm của xã Xuân Phú- huyện Xuân Lộc hôm nay là một không khí hăng say lao động sản xuất. Đây là một trong những xã điểm về nông thôn mới mà huyện tập trung trong năm 2012, nay đã đạt được 15/19 tiêu chí về nông thôn mới. Những tiêu chí còn lại là những thách thức nhưng với quyết tâm cao, xã Xuân Phú đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2012 cơ bản hoàn thành 100% chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú khẳng định:

Sự năng động của chính quyền cộng với sự đồng thuận cao của nhân dân, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này ngày càng gặt hái những thành quả kinh tế mới nhờ ứng dụng công nghiệp hóa nông nghiệp. Người nông dân Xuân Lộc hôm nay vui với năng suất cây bắp đạt trên 10 tấn/héc ta, cao gấp 2-3 lần giống cũ. Nhiều vùng rau, lúa, bắp, cây ăn trái.. có giá trị sản xuất từ đạt từ 100 đến 250 triệu đồng/hécta. Trung bình đạt gần 100 triệu đồng/1hec ta đất canh tác. Huyện Xuân Lộc hiện có một khu Công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 20 ngàn lao động của huyện và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn được xem là thế mạnh hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho hay: Dựa vào thế mạnh đất đai, huyện đã quy hoạch thành 4 tiểu vùng nông nghiệp, cơ cấu lại mùa vụ và bố trí những cây trồng thích hợp. Bên cạnh việc nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, huyện chú trọng đến khâu xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết thêm:

Bằng chính nội lực của mình, Xuân Lộc đã đi từ không đến có. Từ một huyện miền núi nghèo, thiếu thốn trăm bề cơ sở vật chất, Xuân Lộc ngày nay có trên 50% số trường học đạt tiêu chuẩn quốc gia, số hộ dân sử dụng điện đạt hơn 99%, hộ nghèo chỉ còn hơn 4%. Thành quả ấy càng hun đúc lòng tự hào, sự tiếp nối và nỗ lực cống hiến vì quê hương xứ sở của các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Anh Tống Trần Hòa - Bí thư huyện Đoàn Xuân Lộc tâm niệm:

Đứng trên mảnh đất anh hùng này, âm vang của những trận đánh kéo dài suốt mười hai ngày đêm trong chiến dịch Xuân Lộc như chợt hiện về trong ký ức chúng tôi. Nơi đây mãi mãi khắc ghi sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Sư đoàn 7 và những cánh Quân Giải phóng ào ạt tiến về Sài Gòn để cùng với đất nước vỡ òa niềm vui trong khúc ca khải hoàn Ngày miền Nam hoàn toàn Giải phóng.

37 năm đi lên từ gian khó, đất và người như hòa quyện vào nhau, huyện Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai hôm nay có được sự hoán đổi diệu kỳ bằng chính máu xương của các thế hệ cha anh và mồ hôi công sức, sự năng động của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân huyện nhà. Sức vươn ấy chính là tiếng nói tri ân lịch sử, là động lực để tuổi trẻ nơi đây tiếp nối và phát huy những thành quả cách mạng, xứng đáng với danh hiệu anh hùng mà Nhà nước đã trao tặng cho Xuân Lộc hôm nay./.