Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, bên lề kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá cao tinh thần nhận trách nhiệm của Bộ trưởng về những vấn đề còn tồn tại, đưa ra được một số giải pháp khắc phục thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa hài lòng với nội dung trả lời chất vấn, nhất là về công tác quản lý, điều tiết điện lực và xuất khẩu hàng hóa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh VGP
Đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về vấn đề năng lượng tái tạo như: điện, khí, gió, năng lượng mặt trời, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, Bộ trưởng đã đưa ra giải pháp cụ thể, phần nào đáp ứng kỳ vọng của cử tri: “Hiện nay, nhà nước đang chiếm cổ phần chi phối, chính câu hỏi đặt ra là đáp ứng đưa lên lưới điện quốc gia tốt nhất của các công trình điện gió, mặt trời, điện khí để lấp đầy quy hoạch dự kiến triển khai, truyền tải điện. Làm sao phát huy hết công suất của từng nhà máy và được triển khai theo quy hoạch, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời tốt câu hỏi mà cử tri băn khoăn đặt ra trong thời gian tới, hy vọng ngành điện dưới sự quản lý của Bộ trưởng sẽ được triển khai đồng bộ như sự cam kết mà Bộ trưởng hứa trước Quốc hội”.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, không khí chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra dân chủ. Các câu hỏi của đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rất tập trung về các vấn đề điện, thương mại, xuất khẩu hàng hóa, quản lý thị trường, thương hiệu sản phẩm: “Bộ trưởng đã cơ bản trả lời được những nội dung mà các đại biểu đặt ra, đưa ra được dẫn chứng, đưa ra được một số giải pháp. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng còn dài, mất thời gian của các đại biểu khác, trong khi đại biểu chỉ được hỏi không quá một phút nhưng Bộ trưởng trả lời dông dài”.
Tuy nhiên, chưa hài lòng với nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng, phản ứng của Bộ Công Thương còn chậm, chưa có giải pháp cụ thể trước những khó khăn thực tế. Đồng thời, chưa hài lòng với phần giải trình về nguy cơ thiếu điện ở nước ta, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng quan điểm này, đại biểu Ngô Thanh Danh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết: “Một số đại biểu cũng đang băn khoăn về tình trạng nơi thừa điện, chỗ thiếu điện, mà thiếu là chủ yếu. Chúng ta đang công nghiệp hóa và hiện đại hóa mà thiếu điện thì rất nguy hiểm. Đề nghị Bộ trưởng vào cuộc quyết liệt hơn và có những giải pháp cụ thể hơn trước tình trạng thiếu điện”.
* Ý kiến cử tri thành phố xoay quanh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời một số câu hỏi đặt ra cuối giờ chiều hôm qua như tình trạng rối loạn về thị trường, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội chất vấn tại hội trường. Bộ trưởng đã nhìn nhận một số hạn chế, khó khăn trong cơ chế và chính sách đối với một số lĩnh vực do Bộ quản lý. Bộ trưởng có nêu nhiều nghị định, luật định về quản lý cung cấp nhãn xuất xứ, quản lý gian lận thương mại, nhưng theo cử tri Nguyễn Ngọc Hạnh, Quận 8 thì Bộ trưởng vẫn còn nói chung chung, thực tế vẫn còn tồn tại vấn đề này: "Bộ trưởng dẫn rất nhiều điều luật liên quan đến hoạt động thương mại trong nước và quốc tế. Nghị định quản lý ngoại thương để cấp xuất xứ hàng Việt Nam đến các nước để hưởng thuế quan, nhưng trong thời gian qua việc lợi dụng các nhãn mác Việt Nam để gian lận thương mại vẫn xảy ra. Tôi đề nghị Bộ trưởng cần chỉ đạo chặt chẽ hơn để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước và ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia".
Liên quan đến dự án điện Bạc Liêu và nhiều dự án điện còn chậm trễ, cử tri Phan Thị Phượng, Quận 1, nêu ý kiến: "Chủ tịch quốc hội có đặt vấn đề liên quan đến dự án điện Bạc Liêu. Hồ sơ đã hoàn thành đầy đủ cách đây 18 tháng, bây giờ bộ trưởng vẫn nói để xem xét, đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn. Tôi hoan nghênh quan điểm này. Tôi thấy đây là điểm mạnh của việc nói thẳng, nói thật, nói ngay vào vấn đề để đại biểu không né tránh".
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng được nhiều cử tri quan tâm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn về các nội dung gồm: sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Về công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch, cử tri Nguyễn Hoàng Nhi, Quận 7 đồng thuận với ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quy trình này từ năm 1993 đến nay đã 20 năm nhưng vẫn chưa được sửa đổi, cử tri Nguyễn Hoàng Nhi nhận xét: "Theo tôi về công tác tuyển dụng công chức, viên chức, ban tổ chức đòi hỏi quá nhiều về bằng cấp và điều kiện khác nhau. Điều này gây khó khăn cho người đi thi. Tôi nghĩ chỉ cần có năng lực ứng tuyển và văn bằng ngành học phù hợp đạt được là đủ điều kiện dự thi. Vấn đề này đề nghị xem xét lại".
Đồng tình với ý kiến của đại biểu tỉnh Kiên Giang về công tác tinh giản biên chế: có hiện tượng tinh giảm những người tinh, giữ những người không có tài, cử tri Lê Quang Thời, quận Tân Bình nói: "Về tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy là tốt nhưng thực tế ta cũng có nhiều vấn đề cần xem xét, tinh giản đúng người, có năng lực yếu kém là tốt.
Tuy nhiên, nếu ngược lại mà tinh giản người có năng lực tốt, có trách nhiệm trong công việc thì sẽ làm cho bộ máy giảm đi một cách đáng kể. Nếu mà tinh giản không đúng người, không đúng vị trí thì dẫn đến hậu quả khó lường. Theo tôi phải tinh giản những người có năng lực yếu kém, có chủ nghĩa cá nhân, giữ lại những người giỏi, có ý thức kỷ luật, đạo đức tốt thì bộ máy mới gọn nhẹ và hiệu quả".