Tiêu điểm: Nhân Humanity

Y tế cơ sở vẫn chưa được quan tâm

(VOH) – Thông tư liên tịch số 01/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội- Bộ Y tế hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, quy định: Tuỳ theo đặc điểm, mức độ độc hại, nguy hiểm của sản xuất mà doanh nghiệp bố trí số lượng cán bộ y tế. Tuy nhiên, đến nay rất nhiều doanh nghiệp chưa có phòng y tế, y sĩ, bác sĩ riêng, chưa thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động.
 Y tế tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm (ảnh minh họa: 24h)

Cụ thể, nơi có nhiều yếu tố độc hại thì dưới 150 lao động phải có 1 y tá, từ 150 đến dưới 300 lao động phải có 1 y sỹ; trên 500 lao động phải có 1 bác sỹ đa khoa và 1 y tá. Còn trên 1.000 lao động thì dù nhiều hay ít độc hại phải có 1 trạm y tế hoặc phòng, ban riêng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quang- Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết: Quy định là vậy song đến nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc không hề biết đến quy định này, trong khi Bộ và Sở Y tế vẫn chưa ban hành cụ thể quy định xử phạt tại nơi làm việc đối với những doanh nghiệp không thực hiện Thông tư 01, đặc biệt là chưa có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút đội ngũ y bác sỹ về doanh nghiệp làm việc: “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chánh môi trường y tế trong doanh nghiệp đây là một quy định rất khó thực hiện. Và Bộ Y tế cũng như các cấp phải ra một cái hướng dẫn về triển khai về quy định này, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, nghị định này đến với doanh nghiệp còn rất xa lạ và mơ hồ. Có nhiều doanh nghiệp họ còn không biết có nghị định này và người lao động biết đến phòng y tế chẳng qua chỉ là mấy viên thuốc nhức đầu, đau bụng, hoặc nếu ngộ độc trong thực phẩm thức ăn thì phòng y tế này cấp cứu không nổi”.



Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ không có mạng lưới an toàn vệ sinh lao động và nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng với hình thức đối phó. Bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường TP.HCM cho biết, môi trường làm việc hiện nay dễ phát sinh bệnh nghề nghiệp cũng như gây tai nạn, nhưng việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động nhiều khâu bị bỏ quên. Thực tế, khi kiểm tra, có một số người là lãnh đạo doanh nghiệp nhưng khi hỏi về một số quy định, quy tắc về bảo đảm an toàn, về các chế độ cho người lao động họ cũng không nắm được: “Cơ sở lao động phải bố trí bộ phận y tế theo các quy định. Trường hợp cơ sở không thành lập được phòng y tế theo quy định tức là đơn vị đó phải ký hợp đồng với trạm y tế xã phường hoặc là phòng khám đa khoa, các bệnh viện. Chủ yếu phải làm công tác quản lý sức khỏe của người lao động và phòng chống các bệnh tật về người lao động và phải báo cáo với y tế địa phương. Như khi có trường hợp cấp cứu thì đơn vị phải bắt buộc xây dựng được mạng lưới y tế, cái đó mới là quan trọng”.

Người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp và tai nạn trong lao động là điều không ai mong muốn gặp phải, hiện một số doanh nghiệp đã thực hiện khá nghiêm túc công tác này, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp lơ là trong việc thực hiện các quy tắc an toàn cho người lao động. Khi có tai nạn xảy ra thì không kịp sơ cấp cứu tại chỗ mà phải di chuyển đến các cơ sở y tế gần nhất khiến bệnh nhân mất máu nhiều như trường hợp của chị Tô Ly Đa - đang làm việc tại Công ty TNHH Thương mại và sản xuất bao bì Quang Huy, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, công việc nguy hiểm nhưng công ty không hề có phòng chăm sóc y tế. Do bất cẩn trong lúc đang giờ giải lao, chị tranh thủ cột lại mái tóc dài thì tay bị cuốn vào máy. Hai ngón tay của chị bị dập nát các mô xương, mô gân phải cắt bỏ hai ngón tay tạo ngón cụt để cứu lấy tính mạng của chị. Nhớ lại tai nạn đó chị Tô Ly Đa không khỏi bàng hoàng: “Sau khi bị tai nạn, giờ ngẫm nghĩ lại do mình cũng sơ ý. Tôi giơ lên cột tóc thì thấy cảm giác đau, cái tay mình bị giựt xuống. Thấy vậy tôi lấy tay còn lại bóp thật chặt cánh tay bị cuốn vào máy rồi hô hoán lên. Mọi người đưa tôi ra trước công ty rồi đưa đến BV cấp cứu. Giờ cái tay chưa lành hẳn, nhưng nó bị tật suốt đời nên cũng buồn lắm”.


Quả thật, đôi khi chỉ một phút sơ sẩy nhưng mà hậu quả của những tai nạn này để lại về vật chất cũng như tinh thần là rất lớn. Chúng tôi có mặt tại công ty cổ phần in và Bao bì Mỹ Châu, Quận Tân Phú. Do trong giờ làm việc nên hầu hết các dây chuyền sản xuất đang hoạt động hết công suất, nhưng môi trường làm việc ở đây tiếng ồn rất cao. Dù đang làm việc, nhưng nhiều công nhân không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ lao động, không đeo nút tai. Nguy hiểm hơn là khi dây chuyền đang hoạt động, nhiều công nhân vẫn dùng tay để lấy sản phẩm mà không sử dụng găng tay bảo vệ. Phòng y tế trang bị sơ sài, một cái giường đơn trải chiếu đã cũ, vài ba tờ thông tin dán chồng trên 1 cái bảng con ố vàng. Trong tủ chỉ có một ít thuốc thông thường và một ít bông băng, một cái bàn đựng dụng cụ cứu thương cũ kỹ. Chị Loan- công nhân làm việc tại Công ty cho biết, tai nạn ở đây xảy ra thường xuyên, bản thân chị cũng vừa bị mất một ngón tay: “Ở công ty tôi xảy ra tai nạn là chuyện thường xuyên, đứt tay đứt chân là chuyện hàng ngày, còn trường hợp đứt tay đứt xương như tôi thì thỉnh thoảng. Nói chung máy móc ở trong công ty rất dễ xảy ra tai nạn khi thao tác không cẩn thận và chính bản thân tôi cũng vừa bị tai nạn lao động, bị đứt một ngón tay làm tôi rất sợ, nhưng còn công việc không cho phép tôi nghỉ dài hạn được”.


Khi tai nạn xảy ra với chị Loan thì chính y sỹ trực Đỗ Thị Hồng Điệp cũng thừa nhận, một tháng chị đến công ty cũng không nhiều, vì dụng cụ y tế cứu thương đã được phát cho các tổ để họ tự thao tác khi xảy ra tai nạn, nên cũng không nhất thiết phải có mặt thường xuyên.

Tương tự, chị Thúy Vân - Công nhân may túi xách, ba lô xuất khẩu - Công ty TNHH Sambu Vina Sport - Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, tại đây có khoảng 2.000 công nhân đang làm việc, chị kể: “Phòng y tế chỉ có vài loại thuốc nhức đầu, ho, sổ mũi với băng keo cá nhân. Thường thường cũng chỉ phục vụ cho có chứ không có chu đáo. Lên phòng y tế nhiều lúc y tá trực không có ở đó, mỗi ngày đều y tá có trực nhưng rất ít gặp, nhiều lúc đi lên phòng y tế xong lại đi tay không về”.

Bác sỹ Lê Thị Kim Oanh, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong khẳng định: Y tế cơ sở rất quan trọng trong việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu. Nếu công nhân đau bệnh hay ngộ độc thực phẩm sẽ được điều trị tại chỗ kịp thời vì không phải tới bệnh viện vừa đông vừa mất nhiều thời gian chờ đợi: “Quy định đã hoạt động sản xuất là phải có y tế trong doanh nghiệp để bảo đảm những vấn đề về tai nạn, vệ sinh phòng dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bây giờ khó khăn nên nhiều doanh nghiệp bỏ qua hoặc lách luật. Thứ hai nếu xảy ra tai nạn mà không cấp cứu kịp thời thì rất nguy hiểm. Ví dụ nếu có y tế cơ quan thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý hồ sơ, hoặc vệ sinh phòng dịch sẽ được thực hiện rất tốt”.


Thực tế cho thấy việc thực hiện y tế cơ sở đang bị các doanh nghiệp bỏ ngỏ. Hiện nay, Bộ Lao động thương binh và xã hội đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động, trong đó đặc biệt chú trọng đến thực hiện y tế cơ sở. Dự kiến, dự thảo sẽ được trình Quốc hội vào đầu năm 2014. Nhưng từ nay đến khi luật có hiệu lực, liệu sẽ có bao nhiêu tai nạn lao động nữa sẽ xảy ra? Sau 18 năm thực hiện pháp luật về An toàn vệ sinh lao động số vụ tai nạn lao động giảm nhưng số người bị nạn lại tăng cao, do chế tài và cơ chế còn nhiều bất cập và điều quan trọng nhất là nhiều người sử dụng lao động vẫn chưa quan tâm tới sức khoẻ, tính mạng người lao động.

Bình luận