Y tế công và bài toán giữ chân nguồn nhân lực

(VOH) - TPHCM là một trong số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế thôi việc, bỏ việc cao gần 2.000 nhân viên y tế.

Trong chỉ thị số 16 mà Chính phủ vừa ban hành về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững mới đây, đã nêu rõ ngành y tế là ngành có sứ mệnh đặc biệt trong chăm lo sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn thể cán bộ, người lao động ngành y tế cả nước đã có nỗ lực lớn, làm nòng cốt trong phòng, chống dịch Covid-19, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Chỉ thị cũng nêu rõ, hiện nay, ngành y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn chưa phù hợp, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn… Thiết nghĩ, những rào cản này cũng là một trong số nhiều nguyên nhân mà thực tế đang diễn ra đó là sự dịch chuyển nguồn nhân lực y tế từ công sang tư.

Bộ Y tế cho biết, trong 18 tháng qua từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022, cả nước có hơn 9.600 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. TPHCM là một trong số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế thôi việc, bỏ việc cao gần 2.000 nhân viên y tế.

Y tế công và bài toán giữ chân nguồn nhân lực - Kỳ 1: Dịch chuyển nguồn nhân lực y tế 1
Bệnh viện công đầu tư kỹ thuật cao phục vụ bệnh nhân

Thực trạng nhân viên y tế có khuynh hướng chuyển dịch sang bệnh viện tư sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong đó bị ảnh hưởng nhất vẫn là bệnh nhân ở khu vực y tế công khi thiếu nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ giỏi, điều dưỡng giỏi có thâm niên. Trước xu thế diễn ra như vậy, ở khu vực y tế công, làm sao và giải pháp như thế nào để giữ chân đội ngũ y tế “chất lượng cao” đang là bài toán đặt ra.

Hướng đến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao sự hài lòng cho người bệnh thì trong đó cần phải có sự hiệp lực chung tay từ cả hai phía y tế công và tư. Hiện nay, trong số cán bộ y tế nghỉ việc thì có nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế chuyển sang đầu quân cho bệnh viện tư. Hiểu rộng ra, khi có sự dịch chuyển như vậy suy cho cùng thì tất cả đều hướng đến giá trị cốt lõi sau cùng là chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề ở góc độ phân khúc bệnh nhân, về đối tượng phục vụ thì người bệnh không có điều kiện kinh tế sẽ thiệt thòi nếu tình trạng dịch chuyển từ công sang tư đến mức báo động.

Đề cập đến tình trạng này, Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Tình hình nhân viên nghỉ việc đến nay là 77 người nhưng điều đặc biệt là chỉ có 8 tháng đầu năm 2022 là nhân viên nghỉ việc bằng với năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ việc hiện giờ vẫn dưới 2%. Theo quản lý về nhân sự y tế, nghỉ việc dưới 2% là bình thường, 2-5% mới là báo động, trên 5% là bất thường. Nếu mà nhân viên y tế không nghỉ việc cũng là bất thường, nên tỷ lệ nghỉ việc dưới 2% là bình thường, đa số là chuyển ra y tế tư”.

Khi các y bác sĩ rời bệnh viện công sang tư, thì trong đó yếu tố quan trọng phải kể đến, đó là họ ra đi khi môi trường làm chưa đáp ứng sự kỳ vọng của bản thân. Nói như Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Phú Quang – Chủ tịch công đoàn – Bệnh viện Chợ Rẫy, đã bước chân vào làm nghề Y, thì trang thiết bị máy móc rất quan trọng, có trang bị kỹ thuật tốt sẽ giảm thời gian điều trị, tăng chất lượng điều trị phục vụ cho bệnh nhân. Nhưng hiện nay, bệnh viện vướng khó rất nhiều về trang thiết bị, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các y bác sĩ ra đi: “Hiện tại có một số vẫn bị cạnh tranh giữa hai môi trường y tế công và y tế tư. Nhưng mà có một điều nếu nói về tâm tư, nguyện vọng thì anh em thật sự vẫn muốn phục vụ cho Chợ Rẫy nếu như có điều kiện, có máy móc. Chúng ta phát triển được việc đó thì sẽ giải quyết được”.

Là bác sĩ có thâm niên 30 năm công tác tại bệnh viện, Bác sĩ Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy nhìn nhận, bản thân gắn bó với Chợ Rẫy với niềm tự hào làm việc và cống hiến ngần ấy năm. Tuy nhiên, gần đây khi một số anh em ra đi thì trong đó, ít nhiều cũng vì áp lực căng thẳng: “Theo tôi thấy, ai làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng rất mong muốn tiếp tục làm ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là một niềm tự hào. Thế nhưng gần đây thì cái việc này có vẻ khó. Phải nói thẳng, đôi khi cuộc sống phải thay đổi, chúng tôi không phải nói về tiền lương mà là môi trường làm việc”.

Đề cập đến tỷ lệ nhân viên tế nghỉ việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nguyễn Hồng Sơn – Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cũng đã có ý kiến: “Chia sẻ về gánh nặng công việc trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong môi trường làm việc. Như báo cáo, tỷ lệ thôi việc, nghỉ việc ở bệnh viện không phải là vấn đề gì đó quá đặc biệt, mà là bình thường. Vì vậy, để đảm bảo tỷ lệ nhân viên có độ hài lòng cao trong bệnh viện, ngoài thu nhập thì môi trường làm việc kể cả môi trường vật chất và môi trường tinh thần thì cũng đóng vai trò rất quan trọng. Rất mong bệnh viện trong thời gian tới quan tâm, đã quan tâm, đã thực hiện tương đối tốt nhưng mà cũng cần phải tiếp tục thực hiện những vấn đề này”.

Nếu như ở tuyến trên, một bệnh viện hạng đặc biệt là Chợ Rẫy tỷ lệ y bác sĩ nghỉ việc ở trong ngưỡng chấp nhận được, thì tại một bệnh viện tuyến y tế cơ sở là Bệnh viện huyện Bình Chánh, tỷ lệ nhân viên y tế nghỉ việc nằm ở con số khá lớn. Thống kê của bệnh viện trong 9 tháng qua, có khoảng 38 nhân viên y tế nghỉ việc trên tổng số 380 nhân viên y tế công tác tại đây, trong đó cũng có một số y bác sĩ sang bệnh viện tư.

Nhận nhiệm vụ tại bệnh viện mới từ tháng 4/2022, Bác sĩ Võ Ngọc Cường – Phó giám đốc quản lý điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh quyết tâm với những kế hoạch, hành động thực tiễn để giữ chân được đội ngũ y bác sĩ: “Anh em không phải vì thu nhập không, anh em ở lại đây vì gì nữa? Vì anh em cảm nhận định hướng và cảm nhận được tương lai trong vòng 6 tháng tới, trong vòng 1 năm tới của Ban giám đốc, Cấp Ủy, Đảng Ủy Bệnh viện đã định hướng. Và lời hứa của Ban giám đốc với các anh em là thu nhập của các anh em sẽ được tăng bao nhiêu phần trăm, khi hứa là phải làm, phải giữ lời”.

Trong sự thiếu hụt nhân viên y tế, thì nổi lên một vấn đề là thiếu hụt điều dưỡng. Tại Bệnh viện An Bình, một bệnh viện đa khoa với lượt khám chữa bệnh ngoại trú khoảng 2.000 bệnh nhân mỗi ngày, thì theo Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, việc chuyển dịch đang diễn ra và bệnh viện cũng thiếu hụt điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân rất nhiều: “Hiện điều dưỡng rất thiếu. Điều dưỡng không tuyển được. Khi chuyển dịch cơ cấu, mình chưa hiểu được cơ chế. Khối ngành mấy bệnh viện phát triển đòi hỏi sự chăm sóc nhiều hơn, chính vì vậy mà khối điều dưỡng bị thiếu. Bệnh viện nào cũng bị thiếu, tuyển không được, nếu mà theo tiêu chuẩn của mình là 1 bác sĩ, 3 điều dưỡng thì đâu bệnh viện nào chịu nổi, không bệnh viện nào đáp ứng nổi. Khi đó, công tác chăm sóc của mình sẽ thấp hơn, không hỗ trợ bác sĩ được nhiều hơn, bệnh nhân không được hưởng những dịch vụ nó tốt nhất”.

Theo Sở Y tế TPHCM, nếu như năm 2021 có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng, thì sang năm 2022 chỉ còn 781 người có nguyện vọng nộp đơn đơn đăng ký học điều dưỡng tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tỷ lệ giảm sâu đến 66%. Trước tình hình này, Sở Y tế cũng cảnh báo, thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng là một thực trạng rất đáng lo ngại, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Và dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp lại số đã nghỉ việc.

Thành phố cũng là một trong những địa phương mà sự dịch chuyển y tế đang diễn ra. Y tế công đang đứng trước nhiều thách thức làm sao để giữ chân được bác sĩ. Với bối cảnh như vậy, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi cũng đã gặp được rất nhiều tấm gương tận hiến của các y bác sĩ, đã vượt khó ngần ấy năm gắn bó xuyên suốt, đồng hành cùng bệnh nhân ở các cơ sở y tế công lập. Họ gắn bó vì điều gì, vì lẽ gì?