Yêu cầu TPHCM đánh giá kỹ lưỡng về đề xuất thu phí thoát nước

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ giao UBND TPHCM nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các tác động và tính khả thi của đề xuất thu phí thoát nước.

Vừa qua, trên báo Lao động có phản ánh: Giai đoạn 2016-2020, TPHCM đầu tư hơn 1 tỷ USD cho chống ngập, nhưng đến nay hiệu quả các dự án vẫn còn là một câu hỏi lớn. Mới đây, TPHCM đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước 1.430 đồng/m3 từ nay đến năm 2024 tăng trung bình 5%/năm gây nhiều tranh cãi về cơ sở pháp lý, tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm triển khai.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TPHCM nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các tác động và tính khả thi của đề xuất thu phí thoát nước; đồng thời có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án chống ngập của Thành phố.

Tiền thu từ dịch vụ thoát nước sẽ dùng vào mục đích đầu tư, duy tu, phát triển hệ thống thoát nước tại TPHCM. Ảnh: TTO

Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM có tờ trình UBND TP về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2020-2024 thay thế phí bảo vệ môi trường (thu theo sử dụng nước sạch).

Hiện nay người sử dụng nước trên địa bàn TP ngoài trả tiền mua nước sạch còn phải đóng 10% VAT và 10% phí bảo vệ môi trường (thu trên đơn giá nước sạch).

Theo tờ trình của Sở Xây dựng TP, phí bảo vệ môi trường sẽ được thay thế bằng tên gọi là giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Cách thu vẫn dựa vào đơn giá sử dụng nước của mỗi hộ dân. Về mức thu cụ thể, Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án.

Phương án 1: tăng 3%/năm - lấy giá nước sạch năm 2019, mức thu phí môi trường 10%. Từ năm 2020-2024, mức thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính thêm 3% mỗi năm.

Phương án 2: tăng trung bình 5%/năm. Từ năm 2020-2024, mức thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính thêm 5% mỗi năm.

Phương án 3: phương án tăng cao - năm 2020 giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ thu bằng 20% giá nước sạch, giai đoạn từ 2021-2024 mức thu phí tính thêm 5% mỗi năm.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP, với 3 phương án trên thì phương án 2 là khả thi, đảm bảo không đột biến gây tác động đáng kể và không ảnh hưởng đến nguồn chi ngân sách trong suốt lộ trình. Bên cạnh đó, mức thu đề xuất như trên ít có tác động đến thu nhập người dân, đặc biệt là người nghèo ở mức có thể chấp nhận được.

Như vậy, với mức đề xuất theo phương án 2, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được áp dụng từ năm 2020 sẽ có mức thu như sau:

Nếu tính theo giá nước sạch trung bình năm 2020 tại TP.HCM là 9.590 đồng/m3 thì người dân sẽ chịu 15% của mức giá nước trên để chi trả cho giá dịch vụ thoát nước (khoảng 1.439 đồng).

Cứ theo lộ trình tăng mỗi năm 5%, đến năm 2024 giá trung bình cho 1m3 nước khoảng 12.107 đồng thì người dân phải chịu mức phí cho dịch vụ thoát nước là 4.237 đồng (tương đương 35%).

N.T (tổng hợp)

Bình luận