Các đơn hàng này chủ yếu từ Shopee và Lazada, nhưng điều đáng nói là ông chưa từng đặt mua bất kỳ món nào.
Ông Terrence Chong, 46 tuổi, làm việc tại một cơ sở giáo dục tư thục ở Singapore, cho biết tình trạng kỳ lạ này bắt đầu từ khi ông và vợ vừa chuyển đến căn hộ mới. Ban đầu, ông nghĩ các gói hàng bị gửi nhầm địa chỉ, nhưng ngay cả khi xác minh với chủ cũ của căn hộ, họ cũng khẳng định chưa từng gặp tình huống như vậy.
Mỗi ngày, có từ 3 đến 8 gói hàng được gửi đến. “Có ngày tôi nhận được đến 7 đến 8 bưu kiện trong sáng và chiều”, ông Chong thở dài. Tổng cộng, hai vợ chồng ông đã nhận hơn 100 bưu kiện trong hai tháng rưỡi.
Dù trên nhãn ghi các sản phẩm như quạt trần, túi xách hay máy chiếu, nhưng thực tế các bưu kiện lại nhỏ và rỗng, không thể chứa những món hàng đó.
Theo CNA, sau khi nhận được thông tin từ ông Chong, Shopee đã vào cuộc điều tra và xác định được người bán lẫn người mua liên quan đến các đơn hàng này. Tất cả tài khoản vi phạm đã bị cấm, và kể từ giữa tháng 11, các bưu kiện không còn được gửi đến nữa.
Chuyên gia kinh doanh tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, bà Huong Ha, nhận định đây là một hình thức gian lận khá phổ biến. Người bán gửi các gói hàng rỗng tới địa chỉ thật và sau đó tự viết đánh giá giả mạo để tăng độ tin cậy cho sản phẩm của mình.
Bà Huong Ha lý giải: “Người bán muốn cải thiện thứ hạng và đánh giá sản phẩm của mình trên nền tảng thương mại điện tử bằng cách lợi dụng danh tính của người nhận để viết đánh giá tích cực”. Việc này có thể giúp sản phẩm của họ nổi bật hơn trong hệ thống tìm kiếm dựa trên thuật toán của các nền tảng.
Mặc dù ông Chong không bị mất tiền hay bị yêu cầu hoàn lại tiền, nhưng ông cho biết cảm giác nhận hàng mỗi ngày gây áp lực tâm lý rất lớn. “Nhìn thấy trước cửa nhà chất đầy những gói hàng rỗng khiến tôi cảm giác không an tâm”, ông chia sẻ.
Shopee khẳng định họ không khoan nhượng với bất kỳ hành vi gian lận nào và đã xử lý nghiêm các trường hợp liên quan. Tuy nhiên, ông Chong vẫn cảm thấy bất an khi một số cửa hàng bị nghi ngờ gửi hàng đến vẫn còn hoạt động trên nền tảng này.
Chủ tịch Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Singapore (ASAS), ông Bryan Tan, khuyến cáo người tiêu dùng nên liên hệ ngay với các nền tảng thương mại điện tử nếu gặp phải tình huống tương tự. Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) cũng đưa ra khuyến nghị cần kiểm tra kỹ lưỡng các đánh giá trực tuyến và cẩn trọng trước những đánh giá quá tích cực hoặc tiêu cực.