Một trong những điều khiến nhiều người thắc mắc là tại sao khu vực trung tâm — nơi đặt ba điện quan trọng nhất — lại hoàn toàn vắng bóng cây cối.

Với diện tích hơn 720.000m², Tử Cấm Thành được chia thành hai phần: Tiền triều ở phía nam là nơi hoàng đế thiết triều, làm việc và tổ chức nghi lễ; Hậu cung ở phía bắc dành cho sinh hoạt và đời sống gia đình của vua cùng phi tần. Khu Tiền triều có ba công trình nổi bật: điện Thái Hòa, điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa, được xem là trung tâm quyền lực tối thượng của triều đình phong kiến Trung Hoa.
Tuy nhiên, điều gây chú ý là trong khu vực này hoàn toàn không có cây xanh. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu đều đồng thuận rằng đây là sự sắp đặt có chủ ý, phản ánh tư duy thiết kế cung đình chặt chẽ và tầm nhìn dài hạn của người xưa.
Theo nhà sử học Kỉ Liên Hải, thời phong kiến, hoàng đế được xem là "thiên tử" — con của trời. Mọi công trình trong Tử Cấm Thành, nhất là khu vực ba điện chính, phải thể hiện sự tôn nghiêm tuyệt đối và quyền lực cao nhất. Không một vật thể nào, kể cả cây xanh, được phép cao hơn điện Thái Hòa. Bên cạnh đó, cây cối có thể thu hút chim chóc, gây náo động không gian cung đình, làm giảm vẻ trang nghiêm trong những buổi thiết triều hay lễ nghi quan trọng.
Không gian trống trải giữa các sân điện cũng góp phần tạo nên sự bề thế cho hoàng cung. Mỗi khi có sứ thần, đại thần vào chầu, khoảng sân rộng và không có vật cản khiến họ dễ dàng cảm nhận sự nhỏ bé, đồng thời buộc phải giữ thái độ kính cẩn khi đứng trước bệ rồng.
Một lý do quan trọng khác liên quan đến yếu tố phòng cháy chữa cháy. Tử Cấm Thành được xây dựng bằng lượng lớn gỗ quý, chất liệu dễ bắt lửa. Nếu trồng cây, lá rụng tích tụ sẽ làm tăng nguy cơ cháy lan. Đồng thời, cây cối rậm rạp có thể che khuất tầm nhìn, gây khó khăn trong việc phát hiện và xử lý đám cháy kịp thời. Vì vậy, nhiều bể nước lớn đã được bố trí khắp khuôn viên để sẵn sàng đối phó với hỏa hoạn.
Sử sách Trung Hoa cũng ghi lại vụ thích khách tấn công hoàng đế Gia Khánh năm 1813 khiến cung đình chấn động. Một nhóm phiến quân đã bí mật đột nhập vào Tử Cấm Thành, leo lên cây cổ thụ gần Long Tông Môn để tìm cách phóng hỏa gây hỗn loạn. Sự việc buộc nhà vua khi đó phải ra lệnh chặt hạ toàn bộ cây cối quanh các điện chính nhằm ngăn ngừa khả năng kẻ gian lợi dụng che giấu, đột nhập hay đốt phá.
Ngoài các yếu tố thực tế, việc không trồng cây ở khu vực ba điện chính còn liên quan đến quan niệm phong thủy và triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc cung đình Trung Hoa. Ba điện được đặt ở trung tâm Tử Cấm Thành, thuộc hành Thổ. Theo quy luật tương sinh tương khắc, Mộc khắc Thổ, nên cây xanh — thuộc hành Mộc — bị kiêng kỵ tại khu vực này vì có thể mang lại vận rủi cho vương triều.
Qua những lý do kể trên, có thể thấy việc vắng bóng cây xanh ở khu vực quan trọng nhất Tử Cấm Thành không phải là thiếu sót trong thiết kế cảnh quan mà là sự sắp đặt chặt chẽ, phản ánh cả yếu tố an ninh, biểu tượng quyền lực và tư duy phong thủy truyền thống của người xưa. Chính điều đó càng làm Tử Cấm Thành trở thành một công trình vừa tráng lệ vừa chất chứa nhiều bí ẩn, cuốn hút hậu thế suốt hàng trăm năm.