Một cuộc gọi bất ngờ năm 2014 đã mang đến cuộc đoàn tụ đầy xúc động giữa cô Đới Hạnh Phần, một chủ quán ăn nhỏ ở Chiết Giang (Trung Quốc), và Hà Vinh Phong, cậu bé ăn xin từng được cô giúp đỡ cách đây 21 năm.
Hà Vinh Phong, khi đó 40 tuổi, đã tìm lại người ân nhân năm xưa để bày tỏ lòng biết ơn. Trong ký ức của cô Đới Hạnh Phần, vào năm 1993, cô từng giúp đỡ ba thiếu niên đói lả, lang thang sau khi bị mất trộm tiền trên đường từ Du Dương đến Chiết Giang để tìm việc.
Nhớ lại, cô kể rằng ba thiếu niên đã đi bộ hơn 10 ngày, kiệt sức và tìm đến cô xin ăn. Với sự đồng cảm, cô dẫn họ về nhà, chuẩn bị bữa ăn no đủ và chăm sóc vết thương cho Hà Vinh Phong, khi ấy mới 17 tuổi, chân sưng phồng vì đôi giày rách.
Sáng hôm sau, trước khi chia tay, cô đưa cho họ đồ ăn khô và 30 tệ – nửa tháng lương của cô khi ấy – kèm theo lời dặn dò: “Sống thành thật và giữ chữ tín. Có uy tín mới kiếm được tiền.”
Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, Hà Vinh Phong từng đối mặt với nhiều thử thách. Cha cậu từng làm mất một số tiền lớn, khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần và bị khinh rẻ. Những ngày lang thang xin ăn, cậu phải chịu đủ sự lạnh nhạt, chỉ đến khi gặp cô Đới, cậu mới cảm nhận được lòng tốt giữa đời thường.
Nhờ lời khuyên chân thành của cô, Hà Vinh Phong kiên trì giữ gìn sự lương thiện và vượt qua những cám dỗ. Sau nhiều năm bươn chải, cậu từ một người làm thuê trở thành một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực sản xuất nội thất.
“Tôi luôn ghi nhớ lời dặn của chị Đới và tự hứa sẽ báo ơn khi có cơ hội,” anh chia sẻ.
Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng Hà Vinh Phong đã tìm ra cô Đới Hạnh Phần nhờ sự giúp đỡ của một khách hàng. Hóa ra, cô đã rời quê nhà và cùng chồng mở một quán ăn nhỏ ở Lâm Hải.
Khi gặp lại, anh không ngần ngại tặng cô một tấm séc trị giá một triệu tệ (khoảng 3,3 tỷ đồng) như một lời cảm ơn. Tuy nhiên, cô Đới từ chối nhận số tiền, chỉ nhẹ nhàng nói: “Em thành đạt, chị rất vui. Tình nghĩa của em còn quý hơn tấm séc này.”
Cảm kích trước sự nhân hậu của cô Đới, Hà Vinh Phong quyết định quyên tặng số tiền đó cho các tổ chức từ thiện và sản xuất một bộ phim mang tên “Một đời chị em”, lấy cảm hứng từ câu chuyện của họ để truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Từ đó, mỗi dịp lễ Tết, anh đều đưa gia đình đến thăm cô Đới, duy trì mối quan hệ thân thiết như người ruột thịt.