Du khách kẹt trong khe đá 20 tiếng, phải cắt bỏ chân để được giải cứu

VOH - Một du khách 69 tuổi người Litva, tham gia hành trình chèo thuyền kayak trên sông Franklin, Tasmania (Úc), đã phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt nhất trong đời.

Sau 20 giờ mắc kẹt giữa khe đá, ông buộc phải cắt bỏ chân để thoát thân. Hiện ông đang chiến đấu để giành giật sự sống tại bệnh viện.

Người đàn ông xấu số này nằm trong nhóm 11 du khách chèo bè mạo hiểm qua vùng hoang dã Tây Nam Tasmania. Trong một lần đi bộ cạnh con suối, ông bị trượt chân và mắc kẹt phần đầu gối giữa khe đá.

giai cuu_voh
Các nhân viên cứu hộ mô tả đây là cuộc giải cứu "tệ nhất" họ từng gặp trong sự nghiệp.

Theo ông Mitch Parkinson, một nhân viên y tế thuộc đội cứu hộ Tasmania, đây là một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất mà anh từng đối mặt. “Nạn nhân kẹt ở một đoạn ghềnh sâu, nơi nước chảy xiết và ngập đến ngực. Ông ấy phải chịu đựng suốt đêm trong điều kiện khắc nghiệt,” Parkinson kể lại.

Đội cứu hộ đã mất nhiều giờ liền cố gắng giải cứu nạn nhân, nhưng những tảng đá lớn và mực nước cao khiến nhiệm vụ trở nên vô cùng nguy hiểm.

Công tác giải cứu kéo dài gần một ngày đêm, khi đội cứu hộ sử dụng đủ loại thiết bị từ dây thừng, ròng rọc, túi khí đến máy móc thủy lực có công suất 50 tấn. Tuy nhiên, tất cả đều bất lực trước sức nặng khổng lồ của các tảng đá.

“Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể, nhưng mọi nỗ lực đều không thành công. Đây là tình huống khó khăn nhất mà tôi từng trải qua trong sự nghiệp,” anh Ace Petrie, một thành viên trong đội cứu hộ, chia sẻ.

cat chan_voh
Du khách 69 tuổi bị kẹt giữa khe đá, phải cắt bỏ chân để được tự do.

Khi các phương án khác không hiệu quả, đội cứu hộ buộc phải ra quyết định đau lòng: cắt cụt chân của nạn nhân. Theo cảnh sát Tasmania, đây là phương án cuối cùng sau khi mọi biện pháp khác đều thất bại.

“Chúng tôi không đưa ra quyết định này một cách vội vã. Đây là lựa chọn cuối cùng để cứu mạng ông ấy,” Mitch Parkinson nhấn mạnh.

Mặc dù đối mặt với đau đớn và điều kiện khắc nghiệt, nạn nhân vẫn cố gắng giữ bình tĩnh và kiên cường suốt 20 tiếng. “Thật không thể tin nổi ông ấy có thể chịu đựng cả đêm trong tình trạng như vậy,” Parkinson nói.

Nhóm bạn đồng hành đã cố gắng hỗ trợ nạn nhân bằng thức ăn nóng và nước uống. Một trong số họ, vốn là bác sĩ người Litva, đã đóng vai trò phiên dịch viên và hỗ trợ đội cứu hộ giao tiếp với nạn nhân.

“Ông ấy nói tiếng Anh khá yếu. Khi chúng tôi cố kéo chân ông ra, ông nói: ‘Chân tôi bị gãy rồi.’ Nhưng nỗi đau mà ông phải chịu đựng là không thể tưởng tượng được,” Petrie kể lại.

Tính đến tối ngày 24/11, nạn nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện Royal Hobart. Đội cứu hộ cùng các bác sĩ đang nỗ lực hết mình để cứu chữa.

Bình luận