Phát hiện gấu trúc bạch tạng duy nhất tại Trung Quốc

VOH - Một con gấu trúc bạch tạng, được cho là con duy nhất còn sống trên thế giới hiện nay, đã được phát hiện ở Trung Quốc.

Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung quốc vừa chia sẻ một đoạn video được ghi vào cuối tháng 2/2023 hình ảnh một con gấu trúc toàn thân màu trắng và đôi mắt đỏ đặc trưng.

Con gấu trúc được cho là khoảng 5 - 6 tuổi và dường như không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Nó được phát hiện đang tiến đến gần một con gấu trúc cái có màu đen trắng bình thường và con của nó trong một hốc cây tại khu bảo tồn. Tuy nhiên, gấu trúc cái không dịch chuyển và giữ bình tĩnh.

Sau khi giấu trúc cái cùng gấu con rời đi, con gấu trúc trắng quay lại gốc cây và đánh hơi mọi nơi gấu trúc cái ở.

Gấu trúc bạch tạng "độc nhất vô nhị" tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long - Nguồn: CGTN

Theo ông Wei Rongping, kỹ sư cao cấp tại Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu Trung Quốc về Gấu trúc, từ cuối tháng 2, gấu trúc hoang dã ở Ngọa Long bước vào thời kỳ động dục. Chúng có thể sẽ rất hung dữ khi những gấu trúc trưởng thành tiếp cận hoặc xâm phạm. Tuy nhiên, con gấu trúc này lại rất “bình tĩnh” khi đối mặt với gấu trúc trắng. Có khả năng con gấu trúc cái là mẹ của con gấu trúc trắng đó”.

Con gấu trúc bạch tạng “độc nhất vô nhị”được khu bảo tồn phát hiện lần đầu tiên hồi tháng 4/2019 ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển. Sau đó, hình ảnh của con gấu có bộ lông trắng nuốt và đôi mắt đỏ được công bố vào tháng 5 năm đó.

Không có đốm trên cơ thể cùng đôi mắt đỏ độc đáo, cá thể gấu trúc khổng lồ hoang dã được kết luận là một con bạch tạng. Đây là một dạng di truyền vô cùng hiếm gặp, khiến con vật không thể sản sinh melanin - sắc tố tạo màu cho da, mắt, tóc, lông và vảy.

Ông Li Sheng, nhà nghiên cứu ở Trường khoa học đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết, đây là con gấu trúc bạch tạng duy nhất được phát hiện trong tự nhiên, đây cũng là con duy nhất thuộc loại này ở bất cứ đâu trên trái đất.

Gấu trúc lớn là động vật bản xứ ở Trung Quốc, chuyên ăn lá tre và chủ yếu sống trên những dãy núi ở tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc. Theo báo cáo đa dạng sinh thái năm 2021 của Trung Quốc, hiện có khoảng 1.860 con gấu trúc trong tự nhiên.