3 nguyên nhân khiến ắc quy bị nổ

(VOH) – Khi sử dụng bình ắc quy trong kích điện hoặc cho các mục đích khác, người sử dụng thường được cảnh báo là ắc quy có thể bị nổ và làm bắn nước axít ra ngoài. Vậy, ắc quy bị nổ trong các trường hợp nào?

Ảnh minh họa: alobacsi

Các nguyên nhân gây nổ

Ắc quy có thể bị nổ khi người sử dụng vô ý làm chập điện ắc quy, thường là dây âm (-) chạm vào dây dương (+) hoặc ngược lại. Lúc này, ắc quy phóng một dòng rất lớn, phát tia lửa điện, gây nóng bình nhanh chóng và có thể phát nổ.

Ngoài ra, khi nạp ắc quy - đặc biệt là nạp với một dòng điện lớn thì ắc quy sẽ sinh ra hai loại khí dễ cháy nổ là hydrô và oxy. Bình thường với các ắc quy kín khí thì hai loại khí này sẽ kết hợp lại với nhau và tạo thành nước mà ít thoát ra ngoài, nhưng trong các ắc quy kiểu hở thì hai khí này bay vào không khí tại vị trí đặt ắc quy. Với một lưu lượng lớn hỗn hợp hai khí này thì khi có tác nhân là tia lửa (do hút thuốc lá, do đóng cắt công tắc điện, cắm dây hoặc rút dây điện tại các ổ cắm gần đó, kẹp hoặc tháo các mỏ kẹp cá sấu cho sạc....) thì có khả năng dẫn đến cháy nổ.

Một lý do khác khiến ắc quy phát nổ đó là do ắc quy bị quá nạp trong thời gian dài. Trong mọi chế độ nạp (giám sát bằng thiết bị nạp tự động hoặc chế độ nạp thủ công) thì cần giữ nhiệt độ ắc quy dưới mức 50 độ C. Việc nạp quá dòng, quá áp sẽ dẫn đến ắc quy bị nóng quá nhiệt độ cho phép, dẫn đến tuổi thọ ắc quy giảm nhanh và đặc biệt ắc quy có thể phát nổ nếu nhiệt độ quá cao.

Quá nạp là gì ?

Mọi hành động nạp điện vượt qua thông số cho phép của ắc quy đều được gọi là quá nạp, do vậy hiện tượng quá nạp có thể xảy ra ngay khi ắc quy chưa đầy điện.

Sử dụng ắc quy dung lượng quá nhỏ không phù hợp với khả năng nạp của bộ kích điện:  Mỗi kích điện có khả năng xuất một dòng nạp nào đó (ví dụ 5A, 10A, 15A...). Thông thường có thể sử dụng các dòng nạp này đối với các ắc quy (hoặc hệ thống song song nhiều ắc quy) có dung lượng tổng lớn hơn 200Ah nhưng đối với các ắc quy dung lượng quá nhỏ thì sẽ gây quá nạp. Ví dụ, một bộ kích điện có dòng nạp lớn nhất 12A, khi sử dụng một ắc quy axit kiểu hở có dung lượng 50Ah đến 75Ah sẽ gây hiện tượng quá nạp. Như vậy, việc sử dụng các ắc quy dung lượng lớn hoặc đấu song song nhiều ắc quy sẽ hạn chế được phần nào hiện tượng này.

Rủi ro do chất lượng của kích điện hoặc các yếu tố khách quan: Các bộ kích điện thường được quảng cáo có chế độ nạp 3 giai đoạn - kéo dài tuổi thọ ắc quy - tuy vậy chế độ nạp này vẫn ẩn chứa những rủi ro nhất định Biến áp dùng để biến đổi 12 lên 220V lúc này làm nhiệm vụ biến đổi điện từ mức 220V xuống tầm 14,5-15V để nạp điện, việc điều tiết chế độ nạp (3 giai đoạn) qua Thyristor được điều khiển bởi mạch điện. Bởi một lý do nào đó (nhận biết sai mức điện áp ắc quy, mạch điện bị hư dẫn đến làm việc sai, chất lượng linh kiện xuống cấp, bụi và độ ẩm làm dẫn tắt trên mạch in, rơi nước vào máy, côn trùng thâm nhập...) mà sự điều khiển không đúng dẫn đến quá trình nạp diễn ra sai, nạp quá áp, nạp đầy không ngắt mà vẫn nạp tiếp, nạp đầy mà vẫn đặt điện áp ra ở mức 15V....Đây là các lý do dẫn đến hiện tượng bình ắc quy bị nóng và bốc mùi khi nạp. Do vậy cũng không nên tin tưởng hoàn toàn vào chế độ nạp của các kích điện mà không chú ý kiểm tra đến chúng - bởi ngoài lý do lỗi sản phẩm thì còn nhiều lý do khách quan khác nữa để dẫn đến cháy nổ ắc quy.

Chương trình "Trò chuyện cùng Bác tài" do Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco) tài trợ - được phát sóng từ 9h05 đến 9h30, thứ Ba hàng tuần, trên sóng FM 99.9MHz, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Số điện thoại tham gia giao lưu trực tiếp: (08) 3910 4866.
Bình luận