Không giống như Mỹ, Anh không kêu gọi lệnh cấm nền tảng truyền thông xã hội này vì lo ngại ứng dụng này có thể bị chính phủ Trung Quốc khai thác.
Nhưng bộ trưởng Peter Kyle cho biết: "Tôi thực sự quan ngại về mô hình sở hữu của TikTok, Tôi thực sự quan ngại về cách họ sử dụng dữ liệu liên quan đến mô hình sở hữu".
Theo một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian được xuất bản hôm 23/1, ông Kyle vẫn gọi TikTok là "sản phẩm đáng mơ ước" và nói thêm rằng "những người trẻ tuổi nên được tự do khám phá mọi nền văn hóa và hệ tư tưởng".
Trả lời cuộc phỏng vấn của The Guardian, người phát ngôn của TikTok nói với AFP: "Tại Vương quốc Anh, TikTok được cung cấp bởi một công ty đã đăng ký tại Anh, tuân theo luật pháp Anh và được quản lý bởi các cơ quan quản lý của Anh".
"Công ty mẹ của chúng tôi phần lớn do các nhà đầu tư quốc tế sở hữu, chủ yếu là từ Mỹ" – người phát ngôn của TikTok cho biết và khẳng định chính phủ Trung Quốc không có cổ phần trong ByteDance.
Công ty cũng cho biết đã đầu tư 10 tỷ bảng Anh (12 tỷ đô la) để thiết lập chương trình bảo mật dữ liệu tại Anh và lục địa Châu Âu.
Luật cấm TikTok đã được thông qua tại Mỹ do lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng mạng xã hội này để do thám người Mỹ hoặc ngấm ngầm gây ảnh hưởng đến dư luận Mỹ thông qua việc thu thập dữ liệu và thao túng nội dung.
Mỹ đã trao cho công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc là ByteDance lựa chọn bán nền tảng này hoặc đối mặt với lệnh cấm. Thời hạn cho việc này đã được tân tổng thống Donald Trump gia hạn thêm 75 ngày.