Bàn phương án phối hợp cụ thể cho kỳ thi quốc gia

(VOH) - Ngày 17/04, Bộ GD-ĐT đã làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh thành phía Nam, các trường ĐH chủ trì cụm thi quốc gia và địa phương về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Ảnh minh họa: toancanhbaochi

Đại diện các Sở GD-ĐT, các trường ĐH cho hay, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được chủ động lên kế hoạch thực hiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật như: sự phối hợp giữa các địa phương với trường ĐH chủ trì cụm thi, nhân sự ở các khâu tổ chức, coi thi, chấm thi, kinh phí tổ chức chưa thống nhất.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị cần có sự phối hợp cụ thể với trường ĐH chủ trì cụm thi. Do thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia trong hè nên các trường cần có đề xuất cụ thể để điều động nhân sự. Ông dẫn chứng, hiện trường Đại học Đồng Nai sẽ phối hợp với Sở này tổ chức cụm thi địa phương nhưng chưa có sự phân công cụ thể.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM) 

đề nghị nên linh hoạt giao cho cụm thi chủ động quyết định số lượng nhân sự tại các hội đồng thi. Riêng về công tác chuẩn bị cho kỳ thi do ĐHQG TP.HCM chủ trì phục vụ cho thí sinh quận Bình Thạnh, Tân Bình và thí sinh một số huyện của tỉnh Đồng Nai, TS Chính cho biết: “Điểm khó nhất là công tác phối hợp, nếu làm tốt việc này thì mọi việc khác sẽ rất ổn. Chúng tôi được hỗ trợ rất đầy đủ từ Sở GD-ĐT TP.HCM. Về nhân sự Sở đã cử người tham gia vào hội đồng thi, đồng thời cung cấp chi tiết những trường THPT có khả năng làm điểm thi cũng như giáo viên có thể tham gia vào công tác coi thi, chấm thi”.

Trao đổi với PV VOH, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, TP.HCM có 8 cụm thi quốc gia cho thí sinh TP.HCM và 7 tỉnh Đông Nam Bộ với khoảng 126.000 thí sinh. Sở đã chuẩn bị đầy đủ từ cơ sở vật chất cho đến nguồn lực sẵn sàng hỗ trợ cho các cụm thi khi có nhu cầu. 

“Các trường ĐH hiện nay, chấm thi môn trắc nghiệm bằng máy nên không ảnh hưởng về nhân lực. Nhưng môn văn, toán và đặc biệt là ngoại ngữ có thêm phần tự luận thì ngoài giám khảo mà các trường ĐH có sẵn, với sự cân đối trước mắt của Sở GD-ĐT TP thì cung cấp đủ khoảng 2.000 giám khảo để chấm các môn” - ông Đạt cho biết thêm.

TP.HCM có khoảng 2.000 giám khảo để chấm các môn (Ảnh: baomoi)

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của các Sở, các trường về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Về phối hợp để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, Bộ trưởng đề nghị cần cụ thể hóa ngay công việc phối hợp. Ông Luận nhấn mạnh: “Đề nghị Cục khảo thí và các Vụ, Cục của Bộ cần phải chuẩn bị ngay một số quy định: phải phối hợp như thế nào, đạt yêu cầu gì, có thể không cần cầm tay chỉ việc tất cả mọi việc, thế nhưng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc phải đạt được trong sự phối hợp này”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là kỳ thi chung nên tất cả những đơn vị liên quan đều cùng gánh vác nhiệm vụ chung cho cả hệ thống, tất cả cùng có trách nhiệm hỗ trợ cho kỳ thi.

Cũng tại buổi họp, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2015, nội dung chính đề cập đến các vấn đề tổ chức tuyển sinh, các chính sách ưu tiên, điều kiện tham gia xét tuyển của thí sinh, quy trình hồ sơ đăng ký xét tuyển… Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ qua kỳ thi THPT Quốc gia, các trường ĐH-CĐ và các sở cần phối hợp thực hiện các quy định.

Cụ thể, Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, đặc biệt là thông tin về chế độ ưu tiên; các trường ĐH-CĐ bố trí bộ phận thường trực để giúp thí sinh giải đáp thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh.

Bộ cũng quy định, sau khi chấm thi xong, các trường ĐH chủ trì cụm thi in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh qua Sở GD-ĐT để chuyển cho thí sinh. Về phía các Sở GD-ĐT nhận và chuyển giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đúng thời gian quy định, không để ảnh hưởng đến thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh.