Bản tin công nghệ 27/4: Huawei sử dụng 22 tỉ USD/năm cho công nghệ mới

(VOH) - Người khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã gần như tăng gấp đôi ngân sách R&D (nghiên cứu và phát triển) của mình trong nửa thập kỷ qua lên 22,1 tỷ USD vào năm 2021.

Huawei sử dụng 22 tỉ USD/năm cho công nghệ mới

Con số này sánh ngang với Microsoft và ít hơn Apple khoảng 1 tỷ USD, kém Meta 2,5 tỷ USD. Cách tiếp cận mang lại nhiều thành quả: người khổng lồ mạng Trung Quốc đã nhận được 2.770 bằng sáng chế của Mỹ vào năm ngoái, xếp thứ 5 về bằng sáng chế.

Mặc dù biện pháp trừng phạt được áp dụng dưới thời Tổng thống Donald Trump đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh và cấm thiết bị 5G của Huawei ở các khu vực châu Âu và châu Á, công ty đã tìm cách huy động vốn bằng cách bán bớt tài sản và dựa vào uy tín dẫn đầu ngành công nghiệp của mình.

Bản tin công nghệ 27/4: Huawei sử dụng 22 tỉ USD/năm cho công nghệ mới 1

Huawei chi mạnh cho nghiên cứu và phát triển hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới ngoài Mỹ. 

Vinfast ra mắt 5 xe điện đạt 200 km trong mỗi lần sạc

Pin LFP do VinFast và Gotion High-Tech nghiên cứu, phát triển có tuổi thọ, độ ổn định và an toàn vượt trội. Sau hơn 2.000 lần sạc/xả, pin vẫn có thể dung nạp tới 70% năng lượng và vẫn đảm bảo khả năng chống cháy nổ trong mọi trường hợp. Đặc biệt, pin LFP không chứa các thành phần kim loại hiếm như Coban, Niken…, giúp giảm đáng kể tác động tới môi trường.

Hiện VinFast đã chính thức ứng dụng công nghệ pin ưu việt LFP cho 5 dòng xe máy điện mới, bao gồm dòng sản phẩm hoàn toàn mới Evo 200, cùng các mẫu Feliz S, Klara S (2022), Vento S và Theon S được nâng cấp từ thế hệ trước. Nhờ tối ưu phần mềm qua 4 chức năng chính gồm Thu thập, Điều khiển, Truyền thông tin và Đảm bảo an toàn, các mẫu xe máy điện sử dụng pin LFP mới của VinFast có thể đạt quãng đường di chuyển tối đa sau một lần sạc đầy lên tới khoảng 200km.

Chẩn đoán Covid – 19 qua tiếng ho bằng trí tuệ nhân tạo

Ngày 26/4, một nhóm nghiên cứu vừa công bố kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu: “Xây dựng cơ sở dữ liệu tiếng ho trên bệnh nhân Covid-19 và đánh giá độ chính xác, độ tin cậy của ứng dụng AI “Covid coughing detection” trên người Việt”.

Theo đó, hầu hết các BN khi nhiễm Covid-19, vi rút tấn công vào đường hô hấp và thần kinh nên khi BN ho sẽ phát ra một âm thanh đặc trưng gọi là tiếng ho Covid-19 với tần số âm rất đặc trưng so với các bệnh lý khác của đường hô hấp cũng gây ra ho. Lỗ tai con người không thể phân biệt tần số âm tiếng ho người nhiễm Covid-19 và người không nhiễm. Do đó lợi dụng sự phổ biến các thiết bị điện thoại thông minh thu âm tiếng ho trên BN nhiễm Covid-19, sau đó chuyển về máy tính phân tích phổ âm tiếng ho này, với từng phổ âm trên mỗi tiếng ho đặc trưng sẽ được chuyển đổi số sang hình ảnh đặc trưng và nhờ AI so sánh hình ảnh âm tiếng ho này có giống với BN Covid-19 hay không. Nếu xác suất giống càng cao (có 3 tiếng ho trên 70%) thì khả năng BN mắc Covid-19 càng cao.

Kết quả nghiên cứu trên 528 BN Covid-19 và 218 tình nguyện viên không mắc Covid-19 cho thấy, phần mềm chẩn đoán tiếng ho dựa trên AI có độ nhạy 64% (xác suất để xác định đúng người có bệnh) và độ đặc hiệu 88% (xác suất để xác định đúng người không có bệnh). Dựa trên dữ liệu thu thập tiếng ho trên người Việt sẽ nâng xác suất độ nhạy và độ đặc hiệu trên người Việt, phần mềm này có giá trị tầm soát theo dõi diễn tiến trên BN.

* Nội dung được phát sóng trong  “Nhịp Sống Sài Gòn”  kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/ 

Bình luận